Không được phép lãng quên!

Cập nhật, 05:11, Thứ Năm, 15/03/2018 (GMT+7)

Ngày 14/3/2018, tròn 30 năm, sự kiện hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công vào đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ công binh Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trước nòng súng hèn hạ tàn bạo của ngoại xâm.

Gạc Ma đã đi vào trang sử bi tráng của dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào. “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước.

“Đã trải qua rất nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nhưng hình ảnh các chiến sĩ hải quân của ta cho tàu đã bị trúng đạn, có nguy cơ chìm lao lên bãi đá cạn để giữ chủ quyền trong trận Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa cách đây 30 năm là hình ảnh sâu sắc nhất”.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm- nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam- nói như vậy khi trao đổi với một nhà báo ngày hôm qua.

Một tiến sĩ sử học cho rằng, trong lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược từ xưa đến nay, có lẽ chưa bao giờ có một trận chiến nào tàn nhẫn đến như thế. 64 chiến sĩ công binh tay không vũ khí phải đối đầu với một lực lượng hùng mạnh, nào tàu chiến, nào vũ khí lăm lăm trong tay.

Họ đã kiên cường chiến đấu và hy sinh để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh ấy quá bi tráng và tôi cho rằng hậu thế phải biết đến, phải nhớ đến.

Nhưng thật đáng buồn khi trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây- Nam đề cập sơ sài, còn vấn đề về quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... không có một dòng.

Thiếu tướng Lê Kế Lâm- nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân- nhiều lần phát biểu chính kiến: Cần đưa sự kiện Gạc Ma 1988 vào chính sử để giáo dục cho thế hệ sau về trang sử bi tráng này của dân tộc.

Nếu lãng quên sự kiện Gạc Ma 1988 là có tội với lịch sử, làm tủi vong linh những người đã ngã xuống.

Học sinh ngày nay có thể thích Sơn Tùng M-TP, yêu đội tuyển U.23 Việt Nam là những điều tốt, nhưng các em phải có nền tảng để hiểu rằng những điều đó sẽ thành vô nghĩa nếu chủ quyền đất nước không bảo vệ được.

Bởi vậy, ngày nay có không ít người, trong đó có các bạn trẻ không biết đến các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên đất liền và biển đảo Việt Nam trong lịch sử hiện đại, lỗi trước tiên là thuộc về người lớn, lỗi của những người đi trước và những người chịu trách nhiệm.

Tròn 30 năm chúng ta mất Gạc Ma và cũng ngần ấy thời gian Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Đó là một sự thật, một nỗi đau mà chúng ta không thể che đậy, giấu giếm vì bất cứ lý do gì!

Cần phải nói rõ cho nhân dân biết, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu rằng, quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo thuộc Trường Sa của chúng ta giờ vẫn còn bị ngoại bang chiếm giữ.

HOÀNG HÀ