Biến tướng lễ hội

Cập nhật, 13:36, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)

Gần đây, lễ hội tâm linh ngày càng phát triển, lượng người tham gia vào các lễ hội này ngày càng đông, kèm theo đó là hình ảnh méo mó vì bán ấn, cướp lộc. Phong tục xưa bị lợi dụng trục lợi làm méo mó đi ý nghĩa của nó.

Người Việt Nam đang nhầm lẫn trong chuyện khai ấn, phát lộc. Việc phát ấn theo truyền thống chỉ dành cho tầng lớp vua chúa, quan lại, và cũng chỉ những người thuộc tầng lớp này mới đủ tài trí để thực hiện.

Cho nên, hiện nay, những người phát ấn ở đền Trần đều không đáp ứng đủ tiêu chí như quy định xa xưa.

Cha ông ta đã nói, khai ấn là chuyện nhà quan, khai canh là chuyện của nông dân, khai bút là của trí thức, khai trương nhà hàng là chuyện của thương gia. Nếu không thuộc đúng thành phần mà vẫn cố tình “xin”, “khai” một cách tràn lan là vô nghĩa.

Điều này vô tình tạo nên cái nhìn méo mó, lệch lạc về văn hóa khai, phát ấn. Bởi ấn hay lộc mà phải đi cướp thì làm sao mang lại bổng lộc như nhiều người nghĩ.

Một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hàng mấy ngàn năm, là một quốc gia như một đại gia đình gồm 54 dân tộc anh em nên mang trong mình rất nhiều bản sắc riêng.

Con số gần 9.000 lễ hội hàng năm, trung bình 25 lễ hội/ngày chính là thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền địa lý, lịch sử…

Nhưng cũng chính vì có quá nhiều lễ hội (chưa dừng ở con số này, vì hiện thời vẫn còn nhiều lễ hội đang có chiều hướng phục hồi lại), nên việc làm sao cho lễ hội mang đúng ý nghĩa gốc của nó, đúng tầm của nó, phù hợp với xu thế hội nhập hiện đại thật sự là bài toán nan giải gần như đang vượt tầm kiểm soát của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu xã hội, văn hóa, lịch sử... 

HOÀNG HÀ