Biết cho đi

Cập nhật, 07:00, Thứ Sáu, 02/03/2018 (GMT+7)

Thông tin 8 người trong một gia đình ở TP Hồ Chí Minh cùng đăng ký hiến tạng khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Theo những chuyên gia về sức khỏe, có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép, cứu người như: tim, gan, thận, phổi, mô,... Và, một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác.

Trong khi đó, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn. Cả nước hiện có ít nhất 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, 1.500 người có chỉ định ghép gan, 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.

Hiến tạng là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao tặng cho ai đó. Bởi, đối với hàng ngàn người, sự sống hay cái chết đang phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân ái của những người không quen biết.

Nhiều người cho rằng hiến tạng khi qua đời thì “không còn toàn thây” nên e ngại. Song, nếu nhìn vấn đề hiến tạng ở một khía cạnh khác thì những người thân của người hiến tạng sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Đó là cứu người, đó là một phần thân thể của người hiến tạng không chết đi mà tiếp tục sự sống ở một hoặc nhiều người...

Một người hiến các bộ phận cơ thể có thể cứu sống được 8 người, nhưng khi hiến tặng mô thì số người được cứu là 50 người. Bởi vậy, việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.

HOÀNG HÀ