Vấn nạn "tôm bơm tạp chất"!

Cập nhật, 08:35, Thứ Năm, 08/02/2018 (GMT+7)

Tình trạng bơm chích tạp chất trên con tôm ở ĐBSCL đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trước vấn nạn trên, để kiểm soát, ngăn chặn kiểu làm ăn gian dối này, nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL đã cùng nhau ký kết quyết tâm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Thế nhưng vấn nạn “tôm ăn rau câu” liên tục bị phát hiện.

Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện xử lý trên hàng trăm vụ bơm tạp chất vào tôm ở các tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... và thậm chí cả ở TP Hà Nội. Con số này cho thấy, vấn nạn này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cần có biện pháp mạnh để đủ sức răn đe.

Vì lợi nhuận, nhiều gian thương, người nuôi tôm sẵn sàng bơm tạp chất vào tôm. Khi tôm có chứa tạp chất, nhất là dạng lỏng, sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Người dùng phải tôm bơm tạp chất rất có thể bị ngộ độc tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng máu... Pháp luật hiện hành quy định những tổ chức, cá nhân có hành vi sử dụng chất cấm, động vật chết, dịch bệnh, chế biến buôn bán thực phẩm gây tổn hại đến sức khỏe người khác, tùy mức độ có thể bị phạt tù tới 20 năm tù.

Trong thực tế, các cơ sở bơm tạp chất vào tôm thường chỉ bị xử lý phạt hành chính. Do mức phạt chưa đủ mạnh, nên có tình trạng các đối tượng chấp nhận phạt để kiếm lời bất chính.

Cần có các biện pháp quyết liệt hơn, loại bỏ tình trạng bơm tạp chất vào tôm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Để làm được việc này, phải có biện pháp xử lý mạnh đối với cả người mua bán tạp chất, người tổ chức bơm và người thu mua tôm có tạp chất.

Đừng để khi người tiêu dùng, đối tác nước ngoài tiếp tục mất niềm tin, hậu quả đối với ngành tôm và hàng ngàn hộ nuôi tôm cả nước thì sẽ khó cứu vãn.

HOÀNG HÀ