Xăng sinh học E5

Cập nhật, 07:52, Thứ Sáu, 09/02/2018 (GMT+7)

Việc sử dụng xăng sinh học E5 (xăng E5 được phối trộn từ 5% cồn sinh học ethanol và 95% xăng thông thường RON 92) đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân.

Bởi lẽ, từ đầu năm 2018, loại xăng này được triển khai bán đại trà trên cả nước, thay thế cho xăng A92, nhằm bảo đảm tiêu chuẩn khí thải ra môi trường. Thế nhưng đến thời điểm này, thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không “mặn” với mặt hàng này.

Ở góc nhìn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam- cho rằng xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã được kiểm nghiệm qua thời gian và thói quen người dân.

Trong khi hiểu biết của người dân với xăng E5 còn hạn chế thì việc thay đổi thói quen là một thách thức. Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng còn băn khoăn không biết xăng E5 có gây hại cho động cơ và gây ra các tác động không mong muốn hay không.

PGS. Phạm Hữu Tuyến- Viện Cơ khí động lực- cho biết, ông và các đồng sự đã có nhiều thử nghiệm trên cả ôtô lẫn xe máy, ở từng loại gia tốc khác nhau, trong tình trạng có tải, không tải… Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể dùng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Một số chuyên gia cho rằng, cần minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng xăng E5, đặc biệt làm rõ mức hao hụt, sự an toàn với động cơ xe, mức độ thân thiện với môi trường. Điều này cộng với việc doanh nghiệp xây dựng dịch vụ, mạng phân phối tốt, sẽ giúp tạo sức cạnh tranh cho xăng E5.

Nhưng, với một sản phẩm mới ra thị trường, điều quan trọng vẫn là chất lượng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phản hồi những phản ánh về chất lượng xăng E5, từ đó gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Theo quan điểm tác giả trên báo Người Đại biểu Nhân dân hôm qua: “Xăng dầu là mặt hàng đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng, nên thường nhận được sự quan tâm của người dân khi có điều chỉnh trên thị trường. Hiệu ứng xã hội tạo ra từ bất kỳ điều chỉnh nào với mặt hàng này cũng không hề nhỏ…”

Nhưng, để tạo ra “hiệu ứng xã hội” mà chỉ đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học- công nghệ mà quên đầu tư cho truyền thông, phổ biến khoa học thường thức thì chắc chắn không tạo được sự hưởng ứng tích cực từ dân chúng. 

HOÀNG HÀ