Nghề đặc biệt

Cập nhật, 08:44, Thứ Năm, 01/03/2018 (GMT+7)

Ngày 27/2 là dịp để mọi người dân Việt Nam thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn của mình đến các y- bác sĩ. Dẫu vậy, vẫn có khoảng lặng khiến niềm vui ngày “giỗ nghề” chưa thể trọn vẹn.

Bởi bên cạnh sự tôn vinh, tiếng chê với một bộ phận cán bộ y tế cũng không thiếu. Vụ án “bắt tay đấu thầu”, nhập khẩu thuốc trị ung thư không chuẩn, không đúng và bán người bệnh với giá trên trời hưởng lợi của nhóm thầy thuốc còn nóng hổi. Tình trạng bác sĩ kê loạn, kê bừa thuốc cho người bệnh để ăn hoa hồng của các hãng thuốc hay nạn phong bì chưa chấm dứt ở các bệnh viện. Đây đó vẫn còn cán bộ y tế chữa bệnh với “tâm thế” như ban ơn…

Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng khi đó từng nói: “Ngành y là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, sự từng trải và kinh nghiệm, một nghề mà mọi công việc, dù là nhỏ, đều có liên quan đến tính mệnh con người và hạnh phúc gia đình”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dạy rằng: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

Là nghề đặc biệt, được cả xã hội trân trọng, được cả xã hội quý mến thì sức ép, trách nhiệm và áp lực đối với nghề của người thầy thuốc cũng rất nặng nề. Hãy đến các bệnh viện lớn, nhìn cảnh người chen người, quá tải ở các phòng khám, buồng điều trị mới hiểu áp lực với thầy thuốc lớn thế nào.

Y đức của nghề thì không bạc tiền nào mua nổi. Y đức đó là tài năng chẩn bệnh, trị bệnh với “tâm sáng, lòng trong”. Nghề y được ví như “mẹ hiền” là vì thế. 

HOÀNG HÀ