Chặn cái ác!

Cập nhật, 05:26, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

Từ sau vụ Lê Văn Luyện sát hại 3 người và thương tích nặng bé gái một gia đình tại Bắc Giang, số vụ thảm sát có dấu hiệu tăng lên, mức độ dã man cũng tăng cao.

Năm 2015, vụ Nguyễn Hải Dương và đồng phạm sát hại 6 người tại Bình Phước, gần đây nhất là vụ phóng hỏa thiêu sống cả gia đình tại ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt. Xen lẫn khoảng thời gian đó là nhiều vụ thảm sát khác với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mùng 1 Tết Nguyên đán vừa rồi, công an bắt một “sát thủ” mức độ tàn ác không kém gì với Lê Văn Luyện và Nguyễn Hải Dương. Kẻ thủ ác là một người làm công đã không ngần ngại xuống tay hạ sát cả gia đình ông bà chủ chỉ với lý do bị đối xử thiếu công bằng với những người làm khác.

Chỉ mới 18 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Tình đã tỏ ra là một sát thủ lạnh lùng khiến 5 mạng người trong gia đình ông bà chủ bị tước đoạt một cách dễ dàng mà không hề run sợ.

Chỉ vì nghi ngờ hàng xóm nhổ mấy cây thông mới trồng, một nam thanh niên vác súng kíp và dao theo chân 2 cha con nạn nhân vào rừng để sát hại.

Kẻ ác nhân này không chỉ nhẫn tâm xuống tay giết hại ông hàng xóm cho thỏa nỗi bực dọc trong lòng, mà còn đang tâm giết luôn con trai nạn nhân mới 11 tuổi đi theo cha, hòng bịt đầu mối.

Vụ cháy nhà khiến 5 người thiệt mạng xảy ra tại khu biệt thự cổ ở TP Đà Lạt không phải là vụ cháy nổ bình thường, mà là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì do thù tức, mâu thuẫn với hàng xóm mà có kẻ dám vác can xăng và đèn khò tới tận nhà nạn nhân để thiêu sống cả 4 người trong gia đình gia chủ.

Cái ác xuất hiện ngày càng nhiều phản ánh một xã hội bất an, nhiều biến động và pháp luật chưa đủ nghiêm. Đi tìm lời giải cho tình trạng này, phải nhìn từ nhiều góc độ, nhiều phía.

Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao cái ác ngày càng gia tăng nhưng đôi khi, chính những thông tin tràn ngập về bạo lực ở một khía cạnh nào đó đã vô tình tiếp tay cho tội ác lan tràn. Những thông tin về tội ác được đưa tỉ mỉ, chi tiết trên mặt báo nhằm thỏa mãn nhu cầu tò mò của người đọc đã gieo một cách vô thức về cái ác trong đầu nhiều đứa trẻ.

Đôi khi đời sống tinh thần tăm tối cùng với hoàn cảnh vật chất khó khăn đã tạo ra tội ác. Nhưng đôi khi chỉ vì một phút không kiềm chế được mình, tội ác cũng xảy ra mà không nhất thiết phải bắt nguồn từ một nguyên cớ hoặc phải trả thù. Nhiều khi chẳng thù oán, chẳng quen biết, người ta vẫn “vô tư” làm điều ác với một ai đó.

Vì sao con người ngày càng tàn ác và những vụ án mạng kinh hoàng vẫn cứ xảy ra? Đây là một câu hỏi mà những người có trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng chính sách phát triển con người, phát triển xã hội cũng như bảo đảm an ninh trật tự cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn.

HOÀNG HÀ