Bến Tre: Chủ động "ngọt"- thích nghi hạn, mặn

Cập nhật, 06:11, Chủ Nhật, 24/04/2016 (GMT+7)

Chỉ một số xã đầu nguồn Châu Thành, Chợ Lách chưa nhiễm mặn, trong khi theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng- Thủy văn Bến Tre, ranh mặn 1‰ hầu như đã “bao vây” toàn tỉnh.

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn, nhưng bước đầu, chính quyền và người dân Bến Tre đã có gắng chủ động thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến bất thường.

Nhiều đồng ruộng đang trở nên khô cằn.
Nhiều đồng ruộng đang trở nên khô cằn.

Chủ động trữ nước ngọt

Trên tấm bảng của Công ty TNHH Cấp nước Mỏ Cày ghi lưu ý đặc biệt: “Trưởng ca trực lưu ý từ 10 giờ khuya đến 4 giờ sáng, mỗi giờ lấy mẫu nước tại trạm II một lần. Thường xuyên theo dõi độ mặn tại trạm II. Tập trung bơm nước vào ao lắng khi độ mặn thấp”.

Theo anh Đặng Thanh Cần- nhân viên công ty, thời gian gần đây, độ mặn trên sông khu vực lấy nước luôn ở mức 5‰ nên theo dõi “canh” nước sáng- tối hễ giảm mặn thì tập trung bơm ngay vô ao chứa.

Nước cung cấp cho khoảng 8.000 hộ dân chỉ để tắm giặt chứ không ăn uống vì không xử lý mặn được. Mọi năm, khu vực này chỉ chịu mặn chừng 1-2 tháng, nhưng dự báo năm nay lên đến 4-5 tháng.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, 42 nhà máy nước Trung tâm đang quản lý với công suất khoảng 1.300m3/h, phục vụ cho trên 54.320 hộ dân và gần như 100% nhà máy đều bị nhiễm mặn do sử dụng nước từ kinh mương chứ không có nhà máy nào sử dụng nước ngầm.

Toàn tỉnh có 28 nhà máy nước của tư nhân nhưng chỉ có 6 nhà máy sử dụng nước ngầm, khiến hàng chục ngàn hộ dân điêu đứng do không chủ động trữ nước ngọt.

Theo Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre, phần lớn nhà máy nước của công ty đều nằm trong khu vực bị đe dọa xâm nhập mặn.

Nước cho sản xuất và sinh hoạt là vấn đề cấp thiết ở vùng hạn mặn, nhưng theo ông Trần Quốc Việt- Chủ tịch UBND xã Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam): “Bà con giờ đã có ý thức chủ động trữ nước, dẫn nước vào mương vườn, xây cống trữ nước. 80% cơ sở chăn nuôi sử dụng nước giếng, sâu 11-15m và sử dụng nước đóng thùng trong ăn uống”.

Còn tại xã Thành Thới A, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nho cho biết: “Vì là vùng mặn, nên người dân đã quen trữ ngọt. Chủ động làm nhiều cống, tận dụng khu vực có nhiều ao, hồ đắp bờ bao kín chứa nước ngọt trong đó.

Đôi khi mương đã chứa đầy nước, nhưng được thông báo nước “ngọt hơn” nhiều người vẫn bơm ra để lấy nước mới”. Nhờ vậy, theo ông Nguyễn Văn Nho, người dân chủ động được nguồn nước sinh hoạt và đảm bảo cho chăn nuôi với hơn 2.100 con bò và 53.000 con heo.

Còn 1.155ha dừa cho sản lượng hơn 12,1 triệu trái/năm, cây dừa không cần nhiều nước tưới và bóng mát cây giúp nước mương, ao chậm bốc hơi đi. Hơn nữa, đã có 2 hệ thống máy lọc nước mặn do hộ dân lắp đặt để phục vụ nhu cầu chăn nuôi.

Lắp máy lọc nước mặn

 
Anh Bạc (trái) giới thiệu hệ thống lọc nước mặn thành ngọt.
Anh Bạc (trái) giới thiệu hệ thống lọc nước mặn thành ngọt.
 

Để đảm bảo nguồn nước chăn nuôi, ông Trần Văn Tài và Nguyễn Văn Bạc ở Mỏ Cày Nam đã đầu tư hệ thống máy lọc nước mặn thành ngọt, khoảng 60 triệu đồng.

Chúng tôi đi vào trang trại heo giống Út Bạc (ấp Thới Đức, xã Thành Thới A) dưới vườn dừa xanh mát như tránh được cái nắng 350C giữa trưa.

Anh Nguyễn Văn Bạc- chủ trang trại, mời chúng tôi thưởng thức sản phẩm “nước ngọt” vừa mới lọc rất “ngọt” và mát lạnh, vừa giới thiệu: “Tui mua máy này hơn 6 tháng, chi phí đầu tư 59 triệu đồng công suất 500 lít/giờ, do năm nay độ mặn quá cao và để đáp ứng nhu cầu nước sạch ăn uống, sinh hoạt và trang trại heo đực 165 con”.

Theo anh Bạc, trang trại sử dụng khoảng 2.000 lít nước/ ngày. Hơn nữa, đàn heo đực giống 165 con phục vụ việc gieo tinh, cung cấp tinh trong và ngoài tỉnh thì không thể thiếu nước ngọt dù chỉ trong 1 ngày. Nếu heo uống nước nhiễm mặn, không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh.

Những năm trước, trang trại của anh Bạc trữ nước ngọt trong ao, nhưng “mặn xâm nhập cũng chỉ 1-2 ngày, chứ đâu ở lâu như năm nay”. Anh Bạc cũng cho biết, theo thiết kế hệ thống này có thể lọc nước có độ mặn 9‰, thường mỗi ngày chạy khoảng 4 tiếng. Mỗi tháng tốn thêm khoảng 300.000đ tiền điện và chỉ thay màn lọc 1 lần/tháng.

Mỏ Cày Nam có tổng đàn heo khoảng 250.000 con, vì thế, nhu cầu nước ngọt phục vụ chăn nuôi khá lớn. Sự chủ động trữ ngọt phục vụ chăn nuôi trong thời gian bị xâm nhập mặn là rất cần thiết và việc đầu tư công nghệ mới trong chăn nuôi bền vững cũng là cách làm hay.

Mô hình lúa- tôm

Từ thị trấn Mỏ Cày đi theo Quốc lộ 57 đi Thạnh Phú- 1 trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, chúng tôi thấy bên đường nhiều ruộng khô hạn trơ gốc rạ và những vuông tôm bỏ trống.

Ông Trương Thanh Hải- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Thạnh Phú- cho biết huyện có 142ha lúa Đông Xuân mất trắng và 2.224ha lúa vụ mùa thiệt hại từ 70% trở lên.

Tuy là thiệt hại do thiên tai đột xuất, nhưng huyện cũng đang tính tới chuyện sản xuất thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu lâu dài.

Người dân vùng biển Thạnh Phú thu hoạch dưa hấu. Năm nay do nắng nóng nên năng suất thấp hơn 0,5 tấn/ha so mọi năm.
Người dân vùng biển Thạnh Phú thu hoạch dưa hấu. Năm nay do nắng nóng nên năng suất thấp hơn 0,5 tấn/ha so mọi năm.

Để chủ động thích nghi hạn, mặn, huyện đã có các giải pháp xây dựng các tuyến đê bao ngăn mặn, nạo vét sông rạch trữ nước.

Đồng thời, sử dụng một số giống lúa OM4900, OM6162, OM9921, OM9915 chịu được mặn 4‰. Theo ông Trương Thanh Hải, huyện Thạnh Phú được phân thành 2 vùng, trong đê bao sản xuất 1 vụ lúa- 1 vụ lúa mùa và ngoài đê bao nuôi tôm- lúa, kinh tế chủ yếu là lúa và tôm.

Hiện diện tích chuyển dịch sang mô hình tôm- lúa, để chủ động thích nghi hạn, mặn đang được đẩy mạnh.

Theo đó, 8.500ha sản xuất lúa đã có 5.600ha chuyên tôm- lúa chất lượng cao, có khả năng tăng lên 6.000ha trong năm nay và 7.000ha trong năm tới và ông Hải cho biết: “Đó là mô hình cho sản xuất bền vững”.

Bài toán kinh tế bền vững của mô hình này, được ông phân tích: trên 1ha sản xuất- 60% trồng lúa, 40% mặt nước nuôi tôm càng xanh, sú hoặc thẻ và có thể nuôi thêm bò.

Thu hoạch 3 tấn lúa 21 triệu (giá 7.000 đ/kg), 800-1.000kg tôm (giá 150.000-200.000 đ/kg) cho 150-200 triệu đồng. Mô hình có thể cho thu nhập 200 triệu đồng/năm/ha.

Trong khi, không phụ thuộc nguồn nước và chi phí thấp do kết hợp lúa- tôm, nên việc sử dụng phân thuốc rất hạn chế. Với giống lúa chất lượng cao, lúa trong ruộng tôm thường có giá cao hơn 700-1.000 đ/kg so giá thị trường.

Với điều kiện này, ông Trương Thanh Hải nói như khoe: “Chúng tôi đã gửi hồ sơ đăng ký thương hiệu hàng hóa lúa sạch Thạnh Phú. Tuy năng suất không cao so vùng khác, chỉ 4,5-5,5 tấn/ha, nhưng với sản lượng 51.000 tấn/năm, sản phẩm lúa sạch của huyện có giá trị cao hơn rất nhiều”.

Nhân rộng nuôi tôm trong mương vườn dừa

Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bến Tre thực nghiệm đầu tiên tại một số hộ ở ngoài vùng đê bao ngọt hóa ở ấp Xương Thới III (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú). Kết quả cho thấy, tôm càng xanh ít xảy ra dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, có thể thích ứng với môi trường nước xâm mặn dưới 5‰; trong khi, dừa sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao; trung bình 1 ha đất trồng dừa nuôi xen tôm càng xanh, thu hoạch đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Mô hình đã triển khai với quy mô lớn hơn, gắn với xây dựng Tổ hợp tác sản xuất, ở 4 xã: Định Thủy, Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam); Lương Phú, Thuận Điền (Giồng Trôm) và đang tiếp tục nhân rộng.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC