"Dư âm" hạn, mặn: ngại gió, đợi mưa

Cập nhật, 08:49, Thứ Tư, 13/04/2016 (GMT+7)

Chúng tôi lại về xã Tích Thiện (Trà Ôn) sau 2 đợt cao điểm xâm nhập mặn và khi mặn đã không còn “chát” nữa. Theo ghi nhận, sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt người dân đã bình thường trở lại, nhưng vẫn còn đó những lo lắng khi trời còn hạn và mặn vẫn nguy cơ “hên- xui”...

Công trình cống hở Rạch Ranh ven sông Hậu phòng chống hạn mặn ở Tích Thiện.
Công trình cống hở Rạch Ranh ven sông Hậu phòng chống hạn mặn ở Tích Thiện.

Sợ mặn: ngại gió, lấy nước buổi sáng

Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện Nguyễn Hoàng Khang thông tin với chúng tôi: Ngay ngày thứ sáu rồi (8/4), độ mặn đo được tại Tích Thiện là 2‰. Như các lần trước, dù độ mặn không cao nhưng thông tin này đã được xã báo về Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn.

Ông Khang cho biết, đợt cao điểm mặn xâm nhập mới đây tại Tích Thiện từ đầu đến giữa tháng 3 rồi là “cao nhất, kéo dài nhất từ trước tới giờ”. Cũng theo ông, bây giờ mặn đã giảm, nhưng còn tùy con nước sáng hay chiều mà “hên- xui” mặn lên hay không lên.

Theo nhiều người dân ở đây, nước chiều thường cao hơn nước sáng và khả năng mặn lên là cao. Và với diễn biến mặn bất thường so mọi năm, hễ có chút dấu hiệu như gió là mặn có thể xâm nhập, là nhiều bà con lại lo. Đến nỗi, nhiều người dân nói “bữa nào không có gió là mừng, có gió là rầu!”...

Về ảnh hưởng bởi đợt mặn xâm nhập trên địa bàn vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hoàng Khang cho biết:

Hơn 125ha lúa Xuân Hè bị ảnh hưởng, với độ mặn là 5‰. “Dư âm” đợt mặn kể trên cũng như nguy cơ mặn vẫn còn lăm le như hiện nay, chắc chắn lúa Hè Thu sẽ bị ảnh hưởng. Xã đang chờ các ấp thống kê tình hình lúa Hè Thu bị ảnh hưởng để cùng ngành chức năng tìm giải pháp khắc phục.

Ông Hồ Văn Đô- quản lý Trạm cấp nước Tích Thiện- thông tin: Từ đầu tháng 4 đến nay, trạm đủ nước không bị nhiễm mặn để cung cấp cho người dân sinh hoạt hàng ngày. Trước đó ảnh hưởng độ mặn quá cao, có lúc trạm không lấy nước được. Khi độ mặn hạ xuống, trạm đã mở lấy nước lại bình thường phục vụ bà con.

Ông Nguyễn Hoàng Khang cho biết toàn xã Tích Thiện có hơn 1.800 giếng khoan (cây nước), nên trong thời điểm mặn “chát” nhất, bà con rất lo lắng khi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng việc thiếu nước sinh hoạt cũng tạm ổn. “Giờ chúng tôi vừa canh gió, vừa canh nước lớn- ròng để lấy nước.

Lấy từ nguồn sông Hậu, thường vào con nước sáng, lấy tới ròng sát là đủ cung cấp cho nhu cầu xài hàng ngày của bà con”- ông Hồ Văn Đô nói và nhận định hiện nước sáng “có thể ngọt 100%, còn nước chiều mặn (nếu có) cũng chỉ dao động trên dưới 1‰”.

Trữ nước ngọt, đợi trời mưa

Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ ấp Tích Lộc) kể, mấy ngày nước mặn nhiều, có khi bà... không dám tắm, vì tắm lên chút là người có cảm giác “khô khô, nặng nặng”. Bà Hồng nói: “Hồi nào giờ xứ này có mặn dữ vậy đâu.

Giờ nước mặn về nhiều, bà con la quá trời! Như nhà tui, con nước mặn về tháng rồi, vườn cam đâu có tưới được gì, coi như bỏ ngất ngư luôn. Giờ ông nhà đang dưỡng lại”.

Cái máy bơm này có thể “nghỉ ngơi” khi đã bơm tát đủ nước từ kinh nội đồng lên ruộng, vào mương vườn để tưới cây (ấp Tích Phước, xã Tích Thiện).
Cái máy bơm này có thể “nghỉ ngơi” khi đã bơm tát đủ nước từ kinh nội đồng lên ruộng, vào mương vườn để tưới cây (ấp Tích Phước, xã Tích Thiện).

Ông Nguyễn Minh Nhựt (ngụ ấp Tích Phước) cho biết, hôm mặn nhiều lúa Xuân Hè bị “sựng” lại, năng suất giảm. Tương tự, chanh bông tím, cóc Thái và nhãn da bò vườn ông cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân chính: thiếu nước. Bởi các cống hở, cống ngầm đều đã đóng để ngăn mặn. “Tùy nhà nào có diện tích vườn, ruộng nhiều hay ít, ở vị trí thuận hay bất lợi mà mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng canh tác, năng suất nhiều hay ít”- ông phân trần, đồng thời phỏng đoán giờ nhiều bà con nơi đây cũng như ông... tha thiết đợi mưa!

Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, giờ thì độ mặn đã giảm, nước đã có ở kinh nội đồng để bơm lên ruộng, vào mương. Tuy nhiên, chi phí, công cán phải bỏ ra gấp đôi. Hiện tại muốn dẫn nước vào, phải đặt máy để bơm ngoài kênh vô mương, từ đó nước mới đi tới vườn ruộng được. “Lúc trước đủ nước, muốn bơm tưới, tốn chừng lít xăng, giờ kiệt nước, phải bơm chuyền, tốn công tốn phí hơn”- ông nói.

Dẫu đã có các giải pháp đồng bộ xây dựng cống ngầm, cống hở, khơi thông kênh thủy lợi nội đồng,... để ngăn mặn xâm nhập, để trữ đủ nước ngọt khi có điều kiện, thì đó cũng chỉ là giải pháp hiện hữu.

Ông Hồ Văn Đô nói, như giải pháp để chống lại hạn, xâm nhập mặn và để sống ổn bên nó là: áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (thích nghi với hạn, mặn) và theo dõi chặt thiên tai bất lợi (hạn, mặn), kịp thời thông báo cho người dân chủ động các biện pháp ứng phó.

Nhiều nông dân cho rằng, giữ nước ngọt trong nội đồng dành cho sản xuất cũng chỉ tức thời. Bởi nếu mặn duy trì lâu và phức tạp thì cũng sẽ xâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.


Trữ nước ngọt để cấp đủ cho dân khi mặn kéo dài và vượt ngưỡng

Trong báo cáo “Nguyên nhân, thực trạng và giải pháp ứng phó thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Trà Ôn” của Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn (29/3/2016), với 2 đợt hạn mặn (7-13/2 và 4-13/3) vừa qua, phần kiến nghị chủ yếu là đầu tư xây dựng các công trình cống hở, cống ngầm, hệ thống thủy lợi đê bao dọc sông Hậu, sông Măng Thít, cồn Lục Sĩ Thành- Phú Thành. Ngoài ra, còn đề xuất tỉnh bố trí đất đào ao trữ nước ngọt phục vụ cho Nhà máy nước Trà Ôn và Trạm cấp nước Tích Thiện, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân khi mặn xâm nhập kéo dài và độ mặn cao. Đồng thời, khoan 3- 5 giếng ngầm ở mỗi xã tại các khu vực đông dân cư để người dân cần thì lấy nước miễn phí. 

 

Bài, ảnh: MINH THÁI