CPI tháng 3 tăng do rau, củ, quả tăng giá vì hạn, mặn

Cập nhật, 13:48, Thứ Năm, 07/04/2016 (GMT+7)

Theo Cục Thống kê, sau Tết Nguyên đán, giá phần lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong tháng 3 do tác động của một số dịch vụ, hàng hóa đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đáng kể.

Bên cạnh tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giá gas điều chỉnh tăng nhẹ trở lại, CPI tháng 3 tăng còn do tác động bởi nguồn cung rau xanh, trái cây giảm đáng kể vì hạn hán và xâm nhập mặn làm cho giá tăng khá mạnh.

CPI tháng 3/2016 tăng 1,08% so với tháng trước và có 15/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng giá.

Tính chung sau 3 tháng đầu năm, CPI tăng 0,93%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 1,07 điểm phần trăm. Bình quân trong quý I/2016 CPI tăng 0,98% so với cùng kỳ, cao hơn 0,73 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2015.

CPI bình quân quý I/2016 của 25/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung.

Trong đó, ảnh hưởng đáng kể nhất là dịch vụ khám sức khỏe tăng 8,98%; điện và dịch vụ điện tăng 8,87%; dịch vụ giáo dục tăng 5,28%; dịch vụ trong gia đình tăng 4,11%…

LAN THƯƠNG