Năm 2100: Mũi Cà Mau "biến mất"?

Cập nhật, 06:39, Thứ Bảy, 09/04/2016 (GMT+7)

Các chuyên gia cảnh báo, với tốc độ sạt lở như hiện nay thì dự tính đến năm 2100, Cà Mau sẽ mất 56% diện tích.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo khảo sát của các ban, ngành chức năng trong tỉnh, từ năm 2007 đến nay, khoảng 80% đường bờ biển Cà Mau bị sạt lở. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào khoảng 15m, có nơi đến 50m; 300ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển mỗi năm.

 

Các chuyên gia cảnh báo, với tốc độ sạt lở như hiện nay thì dự tính đến năm 2100, Cà Mau sẽ mất 56% diện tích, hơn một nửa mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc sẽ không còn. Hình hài “mũi thuyền của Tổ quốc” sẽ bị bào mòn trước lớp sóng đại dương.

 

Dân trở tay không kịp

 

Hiện nay 40km tuyến ven biển Cà Mau bị sạt lở nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Quy luật bên lở - bên bồi không còn đúng với Cà Mau nữa.

 

Giờ đây, cả bờ Đông và bờ Tây đều bị biển lấn, ngoạm sâu vào đất liền. Ở bờ Đông, sạt lở đặc biệt nguy hiểm xuất hiện trên địa bàn ven biển xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) và xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), tổng chiều dài hơn 8,7km.

 

Một vài năm trước, đây là dải đất liền kéo dài ra biển gần cây số nhưng chỉ sau vài lần sạt lở, nơi thì thành hàm ếch, nơi hóa biển khơi. Tốc độ xói lở quá nhanh của biển khiến người dân không kịp trở tay.

 

Mất đất, dân phải bỏ ấp mà đi, những hộ may mắn còn nhà, còn đất thì hoang mang, lo lắng không biết khi nào biển tiếp tục xâm thực. Nơi bờ Tây, 23km sạt lở nặng tập trung ở địa bàn các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và xã Tân Hải (huyện Phú Tân). Tại đây, biển đã lấn sát chân cột mốc mũi Cà Mau.

 

Mỗi năm, Cà Mau sụt lún tới 2,3cm

 

Xưa kia, người dân đất mũi luôn tự hào vì có 3 mặt giáp biển, là nơi duy nhất có thể ngắm mặt trời mọc và lặn ở vị trí chỉ cách nhau 15 độ thì nay chính vị trí địa lý đặc biệt này lại là một phần nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ hơn.

 

Bao quanh là sóng biển, mũi Cà Mau lại là nơi tiếp giáp của 2 dòng hải lưu Bắc - Nam và Tây - Nam, với 2 chế độ thủy triều khác nhau gồm bán nhật triều và nhật triều, do vậy các vùng ven biển sẽ là nơi dễ bị tổn thương nghiêm trọng khi nước biển dâng.

 

Nhưng Cà Mau sạt lở không chỉ vì biến đổi khí hậu. Đất mũi đang “chìm” còn do sụt lún. Các chuyên gia của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) đã đưa ra một con số khiến nhiều người phải giật mình: mỗi năm, tỉnh Cà Mau sụt lún 1,56 - 2,3cm.

 

Theo các chuyên gia của NGI, nguyên nhân sụt lún là do vùng này nước ngầm đã bị khai thác quá mức. Vấn đề đang xảy ra rõ nét nhất ở những nơi có đất sét mềm, dễ nén liên kết với tầng đất sâu hơn tầng sỏi.

 

Hậu quả của tình trạng sụt lún là Cà Mau và vùng lân cận có thể sẽ đối diện với việc mất đất, mất rừng, bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh; mặn sẽ xâm nhập sâu vào các sông và tấn công tầng nước ngầm...

 

“Nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm thì toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới” - NGI khuyến cáo.

 

Tìm cách giữ đất

 

Để đối phó với tình trạng trên, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 510 tỷ đồng tạm khắc phục sạt lở ven biển tại những điểm xung yếu, với tổng chiều dài hơn 17,2km, bằng giải pháp kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi...

 

Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng tạo bãi (đã và đang thực hiện chiều dài khoảng 8.000m) được các ngành chức năng đánh giá là khá tối ưu. Khảo sát gần đây cho thấy, những đoạn kè ngầm hiện đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây rừng như mắm, đước đã tái sinh, phát triển tốt tươi.

 

Với giải pháp này, sau chu kỳ năm năm sẽ làm tròn sứ mệnh tạo bãi và phục hồi rừng, khi đó kè ngầm được nhổ lên để tiếp tục cắm xa ra biển thêm 50m. Theo cách đó, rừng và đất lấn dần ra biển. Ủng hộ phương án trồng rừng và coi đây là biện pháp có tính hiệu quả bền vững.

 

Năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và được Thủ tướng cho phép triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển ở ven biển Cà Mau với nguồn vốn 28 tỷ đồng từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC). Nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, Cà Mau đã có thêm trợ lực trong cuộc chiến với sóng to, gió lớn.

 

Theo Pháp luật Plus