Độc đáo nét văn hóa của đồng bào Khmer

Cập nhật, 09:58, Thứ Hai, 04/04/2016 (GMT+7)

Trong 3 ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, người dân Khmer đều tập trung vào chùa lễ Phật, cầu kinh chúc phúc, cúng dường chư tăng và vui chơi bên bạn bè, người thân.

Không chỉ riêng ngày Tết cổ truyền, đối với đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam Tông, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lưu giữ bản sắc dân tộc, vừa là chỗ dựa tinh thần trong sinh hoạt ở các phum, sóc.

Điểm sáng văn hóa

Đa phần đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam Tông, nên chùa là nơi diễn ra lễ hội tôn giáo, lễ nghi nông nghiệp và là nơi sinh hoạt cộng đồng của phật tử trong các phum, sóc từ đồng bằng đến miền núi. 

Đồng thời,  chùa còn là nơi dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt-Khmer, dạy nhạc ngũ âm lưu giữ loại hình văn hóa-nghệ thuật truyền thống của dân tộc; là nơi bàn về việc công ích xã hội, tiếp đón các vị khách quý…

hính do điều kiện xã hội hợp cùng quan niệm tâm linh tôn giáo, đồng bào Khmer xem chùa là nơi hội tụ những giá trị cao đẹp của cuộc sống, của Phật pháp, gắn liền với việc giáo huấn nghiêm túc.

Môi trường tự nhiên và không gian văn hóa chùa chiền góp phần duy trì phong tục, tập quán được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Điệu trống mừng năm mới
Điệu trống mừng năm mới

Kiến trúc của ngôi chùa gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian, dân nhạc, dân ca, dân vũ. Hầu hết bà con Khmer khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ đều gắn bó mật thiết với nhà chùa.

Nhằm phát huy sự trong sáng của đạo Phật, những năm gần đây, hoạt động phật sự của các chùa Khmer trên vùng Bảy Núi góp phần kiến tạo cảnh quan, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để ngôi chùa thật sự trở thành “Điểm sáng văn hóa” cộng đồng.

Các vị sư sãi còn cùng với các vị à cha, đồng bào Khmer cùng tham gia chỉnh trang phum, sóc và vận động con em trong độ tuổi đến trường, gây quỹ Khuyến học, nhất là những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới hàng năm, góp phần nâng cao dân trí, chăm lo sự nghiệp xây dựng và phát triển Bảy Núi ngày càng trở nên vững mạnh. 

Nét văn hóa cộng đồng

Chol Chnam Thmay là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Thời gian cụ thể bắt đầu ngày Tết không cố định, mỗi năm đều thay đổi và mang một ý nghĩa khác nhau.

Việc chọn thời gian, ngày Tết Chol Chnam Thmay căn cứ vào Đại lịch của người Khmer. Hòa thượng Chau Phrốs, trụ trì chùa Thom Mit (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cho hay, mừng Tết cổ truyền còn là ngày sum họp gia đình, con cháu phật tử trong các phum, sóc đi làm ăn xa đều tụ họp về.

Trước hết là viếng chùa, lễ Phật, cầu kinh chúc phúc và mong làm ăn phát đạt, mọi người được vạn sự tốt lành. Sau đó, người lớn gặp gỡ, thăm hỏi công việc làm ăn sau một năm.

Do vậy, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tính cộng đồng rất cao của đồng bào dân tộc Khmer.

Giới thiệu kinh lá buông tại chùa Svay Ton
Giới thiệu kinh lá buông tại chùa Svay Ton

Vào ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, 65 chùa ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho đồng bào Khmer đón mừng năm mới theo tinh thần “vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm”.

Đối với học sinh ở các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh đều được bố trí lịch nghỉ phù hợp để các em về nhà ăn Tết mà vẫn đảm bảo thời khóa biểu theo yêu cầu chương trình.

Trong những ngày diễn ra Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, chùa Soài So (xã Núi Tô, Tri Tôn), chùa Chi Ta Mun (xã Cô Tô, Tri Tôn) hay chùa Svay Ton (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn), chùa Mỹ Á (Tịnh Biên)… đều đón đông đảo phật tử đến viếng chùa và lễ Phật. Tại đây, mọi người đều được thưởng thức những điệu múa cổ truyền của dân tộc ngân vang cùng tiếng nhạc ngũ âm. Cùng gặp gỡ, gửi đến nhau lời chúc phước lành ngày đầu năm, thăm hỏi chuyện làm ăn trong phum, sóc.

Theo An Giang Online

TIN LIÊN QUAN