Nông dân "ứng phó" hạn, mặn

Cập nhật, 09:06, Thứ Tư, 13/04/2016 (GMT+7)

 

Nắp cống được chú Nguyễn Văn Châu và những ông bạn hàng xóm rủ nhau làm để tự cứu vườn mình.
Nắp cống được chú Nguyễn Văn Châu và những ông bạn hàng xóm rủ nhau làm để tự cứu vườn mình.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã trở thành thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Tại Vĩnh Long, hạn, mặn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực của nhà nông tìm cách ứng phó với hạn, mặn trước khi có sự vào cuộc từ nhiều phía…

Ảnh hưởng của hạn, mặn

Người dân chưa bao giờ cảm thấy bất an như mùa hạn năm nay. Những ngày cuối tháng 3/2016, chúng tôi tìm về Vũng Liêm, địa phương ở tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất do hạn, mặn. Dọc các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Trung Thành Tây,… hễ gặp nông dân thì ai cũng bảo “mất ăn, mất ngủ” vì hạn với mặn.

Chú Nguyễn Văn Châu (ấp Cái Dứa, xã Thanh Bình) có 7 công sầu riêng đang cho trái. Những mùa trước, chú phấn khởi bao nhiêu thì mùa này lại xót xa bấy nhiêu vì “nước mặn vào, không chỉ lá mà hoa, trái rụng đầy gốc, cây trơ cành, xơ xác”. “Thiệt hại 50% chứ chẳng ít”- chú nhẩm tính.

Chú Nguyễn Văn Chà (xã Thanh Bình)- ông chủ của 600 gốc bưởi da xanh 4- 5 năm tuổi. Từ hồi vườn bưởi bị “mặn” đến giờ, chú luôn túc trực gần như “cùng ăn, cùng ngủ” với cây.

“Lo quá nhưng cũng chưa biết phải làm sao. Bưởi cũng có trái nhiều rồi. Mùa rồi người ta vô tận vườn, mua hai mươi mấy ngàn một ký lô. Bây giờ, nước mặn vô, mấy cây ở mô đất cao thì lá còn xanh, chứ mấy cây đất thấp lá vàng ẻo hết”.

Bà Nguyễn Thị Trong (ấp Tân Trung, xã Trung Thành Tây) bộc bạch: “Mấy chục năm rồi chưa bao giờ có tình trạng mặn như vầy. Năm nay nước mặn vô liên tục, lúa bị cháy lá, vàng lá, khô, thiệt hại nhiều lắm. Mọi năm, mùa này là mùa chính, thu hoạch khoảng 40 giạ/công. Năm nay may ra trả được tiền giống, tiền phân thuốc”.

Về Trà Ôn, theo chân anh cán bộ nông nghiệp, chúng tôi xuống ấp Tích Phú- một trong 3 ấp của xã Tích Thiện chịu nhiều ảnh hưởng của hạn, mặn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chú Đặng Văn Lùng không giấu nỗi niềm: “Nhà được 5 công ruộng. Sạ hôm mùng 7 tháng Giêng. Sạ xong chừng 3 bữa thì phát hiện nó bắt đầu quéo quéo và chết hàng loạt.

Chỗ nào rải phân thì còn được, nhưng cũng không có kết quả. Mới xịt thuốc cỏ, để bỏ. Chờ mùa khác bà con sạ lại mình sạ theo. Nguyên đồng này bị hết luôn. Có người rải xuống 2- 3 đợt phân, rồi cũng bỏ”.

“Hồi nào giờ ở đây làm ruộng chắc lắm. Năm nay mới bị vầy. Có người bỏ ra khoảng 1 triệu/công tiền công xới, giống, phân, thuốc,… nếu thu hoạch không được là mất trắng. Vì thấy lúa không phát triển, sợ không biết có trổ được không. Lúa này 45 ngày đúng ra là ngậm đòng rồi, nhưng giờ cụt ngủn, không có đòng nào luôn”- chú nói.

Người dân chủ động ứng phó

Hạn, mặn tại Vĩnh Long tuy không khốc liệt bằng một số tỉnh- thành trong khu vực như: Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu… nhưng những ảnh hưởng của nó quả là không nhỏ.

Cụ thể, tại Vĩnh Long, diện tích lúa bị hạn là 1.734ha và diện tích bị nhiễm mặn là trên 20.925ha.

Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước tổng thiệt hại do hạn, mặn trong tỉnh từ đầu năm đến nay trên 122 tỷ đồng. Trong đó, huyện Vũng Liêm bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 119 tỷ đồng, kế đến là huyện Mang Thít gần 2,4 tỷ đồng và Trà Ôn 975 triệu đồng.

Ứng phó với hạn, mặn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo quán triệt sâu rộng đến cấp cơ sở, các ngành, địa phương trong tỉnh; điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện hạn, mặn ngày càng gay gắt.

Sở Nông nghiệp- PTNT cùng phòng nông nghiệp- PTNT, phòng kinh tế các huyện- thị- thành cũng tổ chức triển khai nhanh hàng chục công trình, dự án.

Các địa phương tích cực nạo vét các kinh thủy lợi, nội đồng.
Các địa phương tích cực nạo vét các kinh thủy lợi, nội đồng.

Thực tế tại các địa phương, chúng tôi cũng ghi nhận sự chủ động ứng phó của người dân vùng hạn, mặn. Ngày chúng tôi đến “thực địa” tại vườn sầu riêng của chú Nguyễn Văn Châu, chú đang lui cui bên nắp cống đang làm còn dang dở. Nắp cống được làm với những cọng sắt to, rất chắc chắn.

Chú lý giải: “Mặn lên nhanh quá nên chưa chuẩn bị gì. Từ đây trở về sau sẽ có sự chủ động hơn. Tui và mấy ông bạn trong xóm rủ nhau làm nắp cống cho vườn nhà mình. Khi nghe mấy người thả lưới ở đuôi cù lao nói có mặn là mình lắp vô cống, không cho nước mặn vô. Có vậy mình mới giữ được nước ngọt tưới cây”.

Làm “bờ bao giả”, chú Nguyễn Văn Chà hy vọng cứu được vườn bưởi của mình.
Làm “bờ bao giả”, chú Nguyễn Văn Chà hy vọng cứu được vườn bưởi của mình.

Chú Nguyễn Văn Chà cũng xót lòng với hàng trăm gốc bưởi da xanh “hồi trước xanh mướt, giờ vàng ẻo” nên cũng nghĩ cách cứu cây. Một mặt, chú lặt bỏ bông, trái hy vọng “1 tháng phục hồi được cây”, một mặt “sáng giờ tui mướn người quăng đất để làm cái bờ bao giả này, vừa ngăn không cho mặn vào nhưng cũng vừa giữ nước ngọt”.

Dù “chưa biết kết quả thế nào” nhưng mặn như vầy thì “mình phải tìm cách ứng phó chứ”- chú Chà nói chắc nịch.

Có thể nói, biến đổi khí hậu đang ngày càng bất thường, đã tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt đòi hỏi phải có giải pháp thích nghi căn cơ, đồng bộ trước mắt cũng như về lâu dài.

Bài, ảnh: DUY UYÊN- THẾ QUÂN