Đẫm nước mắt trẻ thơ

Cập nhật, 05:38, Thứ Tư, 29/11/2017 (GMT+7)

Những ngày cuối tuần đẫm nước mắt, khi trẻ sơ sinh bị người giúp việc bạo hành; trẻ mầm non bị đánh đập tàn nhẫn; trẻ 6 tuổi đi mua bánh bị sát hại; trẻ 20 tháng bị bắt cóc tại nhà rồi sát hại vứt xác tại bãi rác; trẻ 7 tuổi nghi bị cha ruột và mẹ kế hành hạ.

Những tin tức, clip đau lòng dồn dập đăng tải trên các báo, trên sóng truyền hình làm thắt ruột thắt gan cộng đồng xã hội. Làm sao chặn đứng vấn nạn bạo hành trẻ nhỏ?

Chung tay để mỗi ngày trẻ đến trường luôn là ngày vui.
Chung tay để mỗi ngày trẻ đến trường luôn là ngày vui.

Sau cánh cửa “mầm xanh”

Thời gian qua, những vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non được phát hiện và đều bị xử phạt nghiêm khắc.

Tưởng chừng như bản án thích đáng dành cho những bảo mẫu bạo hành trẻ là lời cảnh tỉnh lương tri của những người chăm sóc trẻ.

Song, lại thêm vụ bạo hành trẻ mầm non thật khủng khiếp tại Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) vừa được Báo Tuổi Trẻ điều tra, phản ánh khiến dư luận dậy sóng.

Theo clip điều tra, sáng sớm sau khi nhận trẻ, bà Linh (chủ cơ sở) đưa trẻ vào nhà rồi cho “ăn sáng” bằng những trận đòn.

Bà Linh cầm vỏ chai nhựa đánh tới tấp vào mặt, vào đầu khiến bé gái khóc nấc, ôm tay che đầu, chúi nhủi. Bảo mẫu lấy chân đá, tay tát hay có thể dùng bất cứ thứ gì đánh vào mặt, vào đầu trẻ.

Có bé bị bảo mẫu ném vào tường, đạp vào bụng. Dù khóc ré và cố ôm chân lại nhưng một bé trai vẫn bị bà Linh cầm chân đập nhiều lần xuống ghế đá.

Đánh vì bất cứ lý do gì, tiện tay là đánh, trẻ chỉ cần khóc là bị bảo mẫu đánh. Không chỉ một bé mà cả lớp học bị tập thể giáo viên đánh bằng mọi vật dụng có trong tay (dép, cây, vá múc canh, muỗng, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà) thậm chí cả dọa bằng dao để “trẻ ngoan, nghe lời”.

Khi bị đánh, trẻ chỉ biết khóc lại càng bị đánh đau hơn… Ngồi chơi cũng bị tra tấn, ăn cũng bị đánh, làm bất cứ điều gì cũng bị đánh là tình cảnh hàng ngày của nhiều trẻ nhỏ sau cánh cửa Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

Chị Nguyễn Quỳnh Anh (Phường 1- TP Vĩnh Long bức xúc: “Đây là địa ngục của trẻ em chớ không phải là trường mầm non. Đề nghị chính quyền địa phương can thiệp và có hình thức xử lý thích đáng đối với những kẻ dã man này”.

Có lẽ ba mẹ nào xem clip này cũng run người, căm phẫn và òa khóc như tôi. Những bữa ăn, những tháng ngày đến lớp chan đầy nước mắt và nỗi khiếp sợ của trẻ thơ vô tội.

Tự hỏi “các cô giáo” này có trái tim hay không mà lại đối xử với những đứa trẻ thô bạo, kinh khủng như vậy? Sao các cô không nghĩ đến chính con mình nếu cũng bị bạo hành như vậy sẽ bị tổn thương về thể xác và tinh thần nặng nề và con trẻ sẽ mất niềm tin, tình yêu thương vào người lớn?

Để con không bị bạo hành

Không ai chấp nhận bất kỳ lời giải thích, biện minh nào cho hành động tàn nhẫn, bạo lực của các cô bảo mẫu với một đứa trẻ không biết gì, không có khả năng tự vệ. Song, theo một số phụ huynh, khi trẻ mầm non bị đánh, cũng nên xem xét lại nguyên nhân từ phía gia đình.

“Nếu làm bảo mẫu mà không có tình yêu trẻ, làm chỉ vì tiền thì chắc chắn sẽ có chuyện. Một phần vì quan niệm và cách giáo dục nên mới xảy ra chuyện.

Nhiều phụ huynh và trường mầm non thì nghĩ trẻ ăn nhiều mới tốt nên mới xảy ra tình trạng bảo mẫu dùng mọi cách ép ăn, ép ngủ”- anh Nguyễn Thanh Trung cho biết.

Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, mỗi ngày nên hỏi han con mình chuyện trên lớp vì trẻ 2- 3 tuổi đã có thể trả lời.

Thậm chí, có nhiều ba mẹ thấy con khóc vật vã không chịu đến lớp mà vẫn không tìm hiểu tại sao. Trước khi đi nhà trẻ, trẻ cũng cần phải biết một số kỹ năng cơ bản như tự ăn, tự đi vệ sinh, biết nói chuyện…

Chị Trần Thị Thanh Phương (xã Thanh Đức- Long Hồ) bức xúc: “Làm cha mẹ mà con bị bạo hành mỗi ngày vẫn không nhận ra thì làm sao bắt người dưng có tâm với con mình? Thật sự, nếu không có các nhà báo cố gắng quay clip, chắc các cháu chết dần mất?”

Chị Phạm Hạ Nghi (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Cha mẹ có thể nghèo về vật chất nhưng hãy cho con cái thấy mình giàu có về tình thương. Mẹ không thấy sự hoảng loạn của con, không thấy những giọt nước mắt hay những vết bầm dù rất nhỏ trên da thịt non nớt của con?

Mẹ quên hỏi con: hôm nay đi học có gì vui không? Mẹ hỏi đi, con sẽ trả lời”.

Theo chị, đưa con đến trường, ba mẹ cần lắng nghe và quan sát thái độ của con khi gặp cô giáo. Có những cô mà trẻ yêu quý, nghĩa là những người rất yêu thương con.

Con đã nhận được tín hiệu tình yêu từ họ. Với những người mà con mới nhìn thấy đã khóc thét, có thể là “có vấn đề”.

Khi về nhà, ba mẹ nên theo dõi, quan sát để biết cô giáo có bạo hành con hay không bằng cách chơi trò tập kịch hàng ngày.

“Ba mẹ đóng vai học sinh, con đóng vai cô giáo. Lúc đó, con sẽ diễn lại hôm nay đi học như thế nào, đến trường như thế nào”- chị Nghi chia sẻ.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần thường xuyên tập huấn cho giáo viên mầm non để giúp họ biết được nếu bạo hành trẻ sẽ bị xử phạt như thế nào; việc trẻ bị bạo hành sẽ dẫn đến tổn thương ra sao?

Việc lắp các camera là việc cần làm để đảm bảo an toàn cho bé, ngăn chặn tình trạng bạo hành, song cái cần nhất đó là camera lương tâm của cô nuôi dạy trẻ.

Đã chọn nghề cao quý này, các cô hãy xem mình là người mẹ, người chị của trẻ để có tình yêu trẻ, có tính kiên nhẫn để không làm tổn thương trẻ, không làm ảnh hưởng đến nghề giáo vốn rất cao quý.

Cũng cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng bạo hành, gia đình và xã hội cần chung tay để bảo đảm an toàn cho con trẻ.

Viện KSND Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh- Chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh- về tội hành hạ người khác.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN