Người phụ nữ tật nguyền "làm thủ lĩnh" hơn 1.000 lao động

Cập nhật, 05:26, Thứ Ba, 28/11/2017 (GMT+7)

Bà Phạm Thị Tơ (50 tuổi, ngụ ấp An Hòa, xã Bình Ninh- Tam Bình) là người phụ nữ tật nguyền đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm thu nhập. Năm 2016, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao bằng chứng nhận: “Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”.

Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long- đến thăm, tìm hiểu và động viên bà Tơ.
Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long- đến thăm, tìm hiểu và động viên bà Tơ.

Hẹn đôi lần, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ. Thấy có khách đến nhà, trong số những người phụ nữ đang lui cui đan thảm lục bình thì có một người với thân hình nhỏ nhắn ngước lên nở nụ cười chào khách.

Bà từ từ đứng lên, bước từng bước chân khập khiễng, khó khăn đi qua các dãy hàng mỹ nghệ thành phẩm để mời khách vào nhà.

Căn nhà của bà lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của các chị em phụ nữ vừa đan thảm lục bình vừa tâm tình như chị em trong một gia đình làm cho không khí làm việc trở nên rộn rã hẳn lên.

Vừa ngồi vào ghế uống ly nước, bà Tơ chỉ tay về hướng các dãy hàng mỹ nghệ nói: “Căn nhà này là nơi ở của gia đình và cũng là nơi tập kết những sản phẩm chờ kiểm tra lần cuối để giao hàng cho công ty đi xuất khẩu nên có phần bề bộn”.

Thật vậy, trước sân, ngoài hành lang hay cả trong nhà đều có mặt các sản phẩm mỹ nghệ. Ngước nhìn lên vách tường, những bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương được gia đình bà treo rất ngăn nắp.

Như hiểu được ý định của chúng tôi, bà Tơ khiêm tốn: “Tôi tuy tật nguyền, nhưng tôi thấy có nhiều hoàn cảnh khốn khổ hơn tôi rất trăm ngàn lần nhưng họ đã thành công.

Tuy gia đình tôi sinh ra và lớn lên trong nghịch cảnh, nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người tật nguyền như tôi. Tôi có được như vậy cũng nhờ chị em ở địa phương thương tình giúp đỡ”.

Tuổi thơ đầy cơ cực

Đằng sau những thành tích và nụ cười rạng rỡ trên môi, bà Tơ hồi tưởng về quá khứ đầy cơ cực của mình. Bà vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khốn khó.

Bà là người con thứ 7 trong gia đình có 12 anh chị em. Lúc còn nhỏ, bà đã bị sốt bại liệt, đến 7 tuổi mới biết đi và 15 tuổi mới được học.

Khi học đến lớp 11, do hoàn cảnh gia đình và đi lại ngày càng khó khăn nên bà tạm gác chuyện học hành để học nghề giúp ích cho gia đình vì đã 25 tuổi đầu mà không lo gì được cho gia đình, ba mẹ.

“Lúc này gia đình tôi khổ lắm, cha mẹ cũng lớn tuổi, phải lo cho cả chục đứa con.

Mấy anh chị của tôi cũng đi làm thuê làm mướn. Nghĩ về thân phận tật nguyền của mình, dù có học cao đi nữa thì cũng khó làm được gì khi kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp”- bà Tơ trăn trở.

Sau khi rời ghế nhà trường, năm 1986, bà Tơ tham gia học lớp sơ cấp y tá. Học xong bà xin vào làm nhân viên y tá của Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền huyện Tam Bình.

Đến năm 1990, bà lập gia đình và năm sau đó sinh đứa con gái đầu lòng.

“Thương cho con tôi, mới sinh ra đã bị động kinh. Tôi vừa lo cho bản thân của mình, lo cho chồng và phải lo cho đứa con, nhiều lúc muốn quỵ ngã. Nhưng nghĩ đến tương lai của con, tôi quyết định không gục ngã trước số phận của mình và phải có cái nghề trên chính quê hương của mình”- bà Tơ nghẹn lời.

Cơ duyên với nghề đan đát

Như có một sự sắp đặt, đang suy tính phải làm cái nghề gì sắp tới để kiếm thêm thu nhập thì năm 1993, Sở Công thương Vĩnh Long tổ chức lớp dạy nghề đan đát ở xã Bình Ninh, ngay địa phương.

Như là một cái duyên đã đến, bà Tơ đăng ký tham gia ngay vào lớp học này. Sau 1 tháng học, bà đã chú tâm và bắt tay vào việc làm thuê bằng nghề đan thảm lục bình.

Mới vài tháng đầu, bà thấy công việc này phù hợp với mình hơn vì ít đi lại, thực hiện các động tác chủ yếu là đôi tay, ít ảnh hưởng đến đôi chân của mình.

Khi có chút ít kỹ năng, bà tiếp tục tham gia lớp chứng chỉ kỹ năng dạy nghề của huyện tổ chức về dạy lại cho chị em phụ nữ ở địa phương.

Nhờ sự chuyên tâm, cần mẫn mà sản phẩm bà làm ra bao nhiêu cũng đều được đại lý ưng ý. Năm 2007, nhiều chị em trong ấp thấy bà Tơ vừa đan đát giỏi vừa có uy tín nên cùng nhau thành lập tổ sản xuất. Ban đầu, tổ chỉ có 15 người, dần dần số người tham gia ngày càng đông hơn mở rộng địa bàn các ấp lân cận.

Có được uy tín với mọi người đó là thành quả của sự chuyên cần và cởi mở của bà Tơ. Những người ở địa phương cảm phục tấm lòng và kỹ năng nghề của bà.

Với họ, bà Tơ bị teo chân phải và tay phải rất yếu nhưng đan đát rất giỏi.

“Vì cuộc sống gia đình khó khăn, tôi đã cố gắng hết sức mình. Lúc đó, đường đi rất khó khăn, để đi giao nguyên liệu lục bình khô cho bà con, tôi phải dẫn bộ trên chiếc xe đạp cà tàng.

Làm cả ngày lẫn đêm để giao hàng cho đúng hẹn. Nhiều người đan chưa rành, tôi đến tận nhà hướng dẫn cho họ.

Về đến nhà vừa kiểm hàng vừa lo cơm nước và chăm lo cho đứa con gái cứ vài ngày lại bị động kinh 1 lần.

Ngày càng mở rộng, công việc lại càng bộn bề hơn, nhưng để không phụ lòng chị em ở xã, tôi không ngại khó mà càng phấn đấu nhiều hơn.

Được tiếp xúc với chị em, được say sưa làm nghề yêu thích đã quên đi sự nhọc nhằn, cực khổ mà tiếp bước với đời”- bà Tơ chia sẻ.

Giải quyết lao động nông nhàn

Bà Tơ đang cùng chị em kiểm tra sản phẩm.
Bà Tơ đang cùng chị em kiểm tra sản phẩm.

Năm 2009, xã Bình Ninh được công nhận làng nghề truyền thống đan đát thảm lục bình.

Lúc này, tổ sản xuất của bà Tơ đã lên đến hàng trăm lao động. Năm 2014, bà Tơ đứng ra kêu gọi các xã viên là tổ trưởng của các ấp phối hợp lại để thành lập Hợp tác xã (HTX) mang tên HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng.

Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm mở khoảng 10 lớp từ 20- 30 lao động, trong đó có nhiều chị em là người khuyết tật và người dân tộc Khmer. Hiện HTX của bà Tơ đã thu hút 1.029 lao động nông thôn.

Mỗi tuần cần 1 tấn nguyên liệu và cung cấp cho công ty khoảng 3.000 sản phẩm.

“Tuy mỗi năm doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng cái tôi mừng là tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhiều người có việc làm ổn định vẫn có thể lãnh nguyên liệu về nhà làm nhằm tăng thêm thu nhập.

Đặc biệt là nhờ các cấp hội phụ nữ địa phương và Trung ương đã kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tìm kiếm đầu ra sản phẩm mà HTX mới có được như ngày hôm nay”- bà Tơ phấn khởi.

Bà Tơ cho biết thêm, trước kia, nguyên liệu lục bình được tận dụng ở địa phương, nhưng ngày càng nhận nhiều đơn hàng và mẫu mã mới nên không đủ cung ứng phải đi mua tận tỉnh Hậu Giang.

Hiện mỗi lao động thu nhập từ 1,7- 2,7 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình. Bà Nguyễn Thị Bảnh (49 tuổi, ngụ ấp An Thạnh B, xã Bình Ninh) chia sẻ: “Nhờ HTX của chị Tơ mà chị em phụ nữ của xã tôi có công ăn việc làm ổn định.

Không chỉ có phụ nữ chúng tôi tham gia mà ngay cả những người đàn ông lớn tuổi và trẻ nhỏ cũng có thể tham gia kiếm tiền lo cho bản thân được.

Mỗi tháng cũng được gần 2 triệu đồng”. Còn ông Lê Văn Đời (61 tuổi, ấp An Hòa B, xã Bình Ninh) nói: “Tôi tham gia mới mấy ngày nay.

Gia đình tôi có mấy công ruộng vừa cắt lúa xong, trong khi chờ xuống giống vụ mới, tôi tranh thủ thời gian nhàn rỗi học nghề này để kiếm thêm thu nhập. Vừa đan lục bình cũng vừa có thể giữ được cháu nội mà bỏ nhậu nữa”, .

Bà Võ Thị Bé Năm- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Ninh- cho biết: “Bà Tơ tuy tật nguyền đôi chân, nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ cần cù, chăm chỉ từng sản phẩm mỹ nghệ được công ty ưa chuộng và uy tín với bà con trong sớm nên lãnh đạo xã Bình Ninh quyết định thành lập HTX nhằm phát triển làng nghề”.

Theo bà Võ Thị Bé Năm, bà Tơ được bầu làm chủ nhiệm HTX, 11 xã viên còn lại là tổ trưởng tổ hợp tác của các ấp trong xã.

HTX ăn nên làm ra đã giúp nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo vươn lên khá giàu trong cuộc sống, đồng thời giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Từ những thành công vừa qua, người dân và chính quyền địa phương không khỏi khâm phục bà Tơ- một phụ nữ chịu thương chịu khó, vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho quê hương.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG