Tam Bình: Thoát nghèo nhờ nghề đan lục bình

Cập nhật, 13:22, Thứ Tư, 02/07/2014 (GMT+7)

Đan lục bình là một trong những nghề thủ công mỹ nghệ của huyện Tam Bình đem lại việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Nghề này tập trung nhiều ở 2 xã: Bình Ninh và Ngãi Tứ. Nhiều hộ nhờ đan lục bình mà thoát nghèo.

Nghề đan lục bình giúp bà con có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, giá sản phẩm thấp, giá nguyên liệu cao là một trong những hạn chế cũng khiến nhiều bà con còn thiệt thòi.

Thoát nghèo nhờ đan lục bình

Chị Phạm Thúy Hằng- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Ninh dẫn chúng tôi dạo quanh các làng nghề của xã, chị Hằng hồ hởi: “Bà con ở đây chủ yếu làm ruộng, lúc nông nhàn thì tập trung đan thảm, có khi cả gia đình cùng làm và có những gia đình nhờ lục bình mà thoát nghèo nữa đó”.

Từ năm 2001, người dân xã Bình Ninh đã bắt đầu đan lục bình, trước tiên là đan dĩa rồi tới chậu, máng, chai, sọt,… với cái kiểu đan hột gạo, hột lúa,.. Dạo quanh một vòng xã, thấy có rất đông bà con đem sản phẩm lục bình ra sân phơi.

Theo chị Hằng, có gần 2.000 lao động của xã gắn với cây lục bình chứ không ít, thu nhập từ 800.000- 2.500.000 đ/tháng. Có nhiều gia đình cha, mẹ, ông bà và con cái cùng làm nên nhanh và có nhu nhập cao hơn. Chỉ tay vô ngôi nhà tường mới, chị Hằng nói như khoe: “Như nhà cô giáo Oanh nè, hè là cô làm siết mỗi tháng được cỡ ba triệu đồng đó”.

Gia đình chị Trần Thị Thoại (ấp An Hòa) đã có hơn chục năm đan lục bình. Nhà chị Thoại không có đất sản xuất, tài sản chỉ có cái nền nhà. Trước đây, chị Thoại thuộc hộ nghèo của xã Bình Ninh, nhờ vợ chồng chí thú làm ăn.

 Anh đi làm hồ, chị vừa làm thợ may vừa cùng mẹ chồng đan thảm tăng thu nhập nên đã thoát nghèo mấy năm nay. Chị Thoại cười: “Hàng lục bình tôi làm đều đều mấy năm nay không có ở không, mỗi tháng cũng kiếm được hơn triệu bạc”.

Trong khi đó, chị Dương Nhật An (ấp An Phú) cũng nhờ lục bình mà sắp thoát nghèo. Chị An cho biết: “Vợ chồng tui nghèo quá không có ruộng, nên ráng mần ăn và chi xài tiết kiệm. Tranh thủ rảnh rỗi tui làm thêm lục bình cũng cỡ triệu, còn như tháng nào không làm việc khác cả nhà xúm vô lục bình cũng có thể được 2 triệu hơn”. Chị Nguyễn Thị Bé Ba cùng ấp cho rằng, nếu làm thẳng thét một ngày cũng được gần 70.000đ.

Theo ông Lê Trung Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ, toàn xã cũng có khoảng 1.500 lao động đan lục bình thu nhập ổn định và có nhiều hộ đã thoát nghèo.

Còn lắm khó khăn

Tuy khá ổn định nhưng thu nhập của lao động đan lục bình vẫn còn thấp. Lý do, là nguyên liệu lục bình ngày càng cao mà giá sản phẩm thì chục năm nay vẫn vậy. Anh Nguyễn Văn Nan- Chủ nhiệm Hợp tác xã Tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ còn nói: “Cái khó lớn nhất của hợp tác xã hiện nay là vốn chỉ 150 triệu đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu mua hàng cho bà con. Do đó, nhiều bà con chấp nhận bán hàng ra ngoài, giá thấp hơn nhưng có tiền ngay để xoay xở”.

Thụ động trong khâu tiêu thụ, qua nhiều đầu mối trung gian, đợi doanh nghiệp xuống đặt hàng cũng là một trong những hạn chế khiến “sản phẩm bị ép giá, nhiều mặt hàng mua tại công ty là 47.000đ mà mua của bà con mình chỉ 33.000đ”- chị Hằng nói.

Trong khi đó, những hộ cận nghèo như chị Võ Thị Phong Mỹ, Trần Thị Tuyền lại thiếu vốn mua nguyên liệu đành “làm tới đâu mua tới đó”, nên giá thành càng ngày càng cao. Chỉ tay vô bó lục bình khô bị mốc chân, chị Mỹ nói: “Nếu hồi mùa khô có vốn, tui mua lục bình trữ lại thì đẹp và nhẹ hơn mà lại không phải cắt bỏ cả khúc hư như vầy, còn lời lóm gì nữa!”

Cùng hoàn cảnh trên, cô Nguyễn Thị Bé Ba (xã Bình Ninh) cũng mong được vay 1- 2 triệu gì thôi cũng đủ mua lục bình để dành làm. Cô cười hiền: “Làm ra được đồng nào thì chi xài hết đồng đó rồi, đâu có dư để mà mua lục bình mùa khô, đặng nắng cho nhẹ mà đẹp nữa”.

Anh Nguyễn Văn Nan cũng mong sao: “Hợp tác xã có thêm vốn để mua sản phẩm cho bà con chứ mỗi tháng hết 70 triệu mua nguyên liệu, còn 80 triệu đồng trả cho bà con có thấm tháp vào đâu. Nếu trả hết tiền hàng mỗi tháng xã này cỡ 500 triệu mới ổn”.

Toàn xã Bình Ninh có gần 2.000 lao động làm nghề đan lục bình rải đều ở 11 ấp. Trong đó, có hơn 1.200 lao động thường xuyên. Thu nhập từ 800.000- 2.500.000 đ/tháng.

Xã Ngãi Tứ có khoảng 1.500 lao động đan lục bình, thu nhập bình quân 1.500.000- 1.800.000 đ/tháng.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN