NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH 25/11

Bạo hành gia đình- vết thương âm ỉ

Cập nhật, 10:21, Thứ Sáu, 22/11/2013 (GMT+7)

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, thậm chí dẫn đến những hệ lụy đau lòng, gia tăng gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, ngăn chặn nạn BLGĐ là điều hết sức cần thiết.

BLGĐ- vết thương âm ỉ

BLGĐ thường xảy ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Những cặp vợ chồng phải vất vả mưu sinh, dễ nảy sinh mâu thuẫn. Thuộc hộ cận nghèo- thiếu trước hụt sau nên gia đình cô B. (Long Hồ) thường xảy ra rầy rà, cãi vã.


Chị M. (Bình Tân) kết hôn người nước ngoài, thường xuyên bị chồng và gia đình chồng hành hạ. Giờ chị ly hôn về sống với gia đình. Ảnh: TL

Chồng cô “hiền như cục đất” nhưng nhậu vô là chửi bới, đuổi đánh vợ con. Cô B. buồn buồn: “Ngày thường ổng rất lo cho vợ con nhưng nhậu vô là con người khác, nói nhiều và trở nên hung dữ lắm!”

Cô Ph.- cán bộ phụ nữ cho biết, hễ nhậu vô là anh B. rượt đánh vợ con. Nhiều lần, con gái cô bị cha đánh ngất xỉu phải nhập viện, chị B. cũng mấy lần suýt chết. “Nhiều lần các ban ngành địa phương đã mời đến khuyên lơn, phân tích đúng sai, anh B. rất hối lỗi và hứa không đánh vợ con nữa. Song, hễ có rượu vô là chứng nào tật nấy”.

Nhờ vay vốn cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, cô B. gầy lại đàn vịt đẻ nuôi chạy đồng. Hôm chúng tôi đến, chú B. có nhà. Chú cười vui vẻ rồi ra sau nhà lụi cụi với mớ cây cột.

Gương mặt khắc khổ, cô B. tâm sự: “Nhức mỏi khắp người, ổng để bầy vịt ăn lúa tận Sóc Trăng cho con trai giữ về nhà ít hôm để dằn lại mái nhà rồi chở tui đi chích thuốc”.

Cô nhìn ra sau nhà, nói nhỏ giọng: “Thiệt, tui chỉ mong ổng bỏ nhậu, không có vài ba bạc rượu ổng cũng biết lo mần, hỏi han tui đau nhức. Tui cũng thương. Nhưng hễ có rượu, ổng đánh mẹ con tui dữ lắm. Khi tỉnh lại thì ổng xin lỗi, hứa hẹn đủ điều…Vợ chồng sống với nhau hơn ba mươi mấy năm, giờ chỉ sống vì nghĩa thôi.”

Hiện nay, BLGĐ không chỉ đơn thuần là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần, bạo hành trong tình dục, bạo lực kinh tế,… BLGĐ không chỉ phát sinh ở gia đình có học vấn thấp, có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn xảy ra ở gia đình tri thức, có điều kiện kinh tế khá giả.

Khi thấy những cuộc chiến BLGĐ đau lòng, người ngoài cuộc thường muốn giúp đỡ những người bị bạo lực. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đa số người bị bạo lực chọn trở về nơi đã bị bạo lực.

Có nhiều lý do như họ không muốn tan vỡ tổ ấm, họ vì sĩ diện, bị ảnh hưởng bởi quan niệm truyền thống “xuất giá tòng phu”…

Bên cạnh đó, có một lý do khác đó là họ dễ bị xiêu lòng bởi những lời hối hận, những lời đường mật, cử chỉ chăm sóc nhẹ nhàng, gần gũi, thậm chí âu yếm hơn mức bình thường sau những lần bạo lực của kẻ bạo lực.

Nhìn vào gia đình chị D. (TP Vĩnh Long) ai cũng khen vợ chồng đẹp đôi, thành đạt. Con trai tốt nghiệp đại học loại giỏi ra trường kiếm được việc làm thu nhập cao ở TP Hồ Chí Minh.

Chồng chị D.- anh Q. vui vẻ với đồng nghiệp, bạn bè. Nhà đồng nghiệp có tiệc tùng gì anh cũng chở vợ theo. Vì công việc và do bạn bè nhiều nên anh Q. thường xuyên đi nhậu, tiếp khách.

Tâm sự với đồng nghiệp thân, chị D. chia sẻ: “Mọi người nhìn tưởng anh chị hạnh phúc lắm nhưng tổ ấm của chỉ đã nguội lạnh hơn 20 năm qua. Anh không chỉ vì bạn bè cà kê sớm khuya, mà tính phong lưu của anh khiến tim chị chết lặng”.

Đôi mắt ngấn nước, chị tâm sự: “Xót xa lắm em ơi. Ảnh ở ngoài giao tiếp lịch thiệp nhưng về nhà không xem chị ra gì. Hồi con còn nhỏ ảnh đánh, đập đầu chị vô tường, ảnh còn rút dây nịt quất chị dã man lắm. Lúc đó, ảnh giống như con thú hoang. Ảnh đánh không cho chị la…”

Rồi chị tiếp lời: “Nhiều lần chị muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này nhưng vì sĩ diện và cũng vì còn thương chồng nên chị rất nhiều lần bỏ qua những sai lầm của ảnh. Chắc kiếp trước mình còn nợ ảnh nên kiếp này mình phải cắn răng mà trả thôi em à!”

Ngăn chặn BLGĐ

Chị Võ Thị Tư- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Lộc (Tam Bình) cho biết: Thời gian qua, nhờ áp dụng Chỉ thị 01 nên tình trạng BLGĐ trong xã đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn số ít vụ việc xảy ra giữa những người thân trong gia đình- nhất là giữa các cặp vợ chồng, đặc biệt là chồng bạo hành vợ.

Ngoài các hành vi bạo lực như đánh đấm, chém giết thì chửi mắng cũng là một dạng bạo lực tinh thần. Nguyên nhân do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, rượu bia, ghen tuông hoặc do kinh tế gia đình thiếu thốn dẫn đến “cơm không lành, canh không ngọt”. Bên cạnh, người vợ vẫn còn tâm lý cả nể, sợ hãi đối với chồng nên thường cam chịu.

Bởi vậy, BLGĐ như tảng băng chìm, nhiều vụ khi phát hiện (hoặc nghe chị em tâm sự) thì việc đã rồi hoặc không còn cứu vãn kịp. Nhiều vụ án BLGĐ thành án mạng. Như vụ mâu thuẫn của vợ chồng chị Nh. ở Ấp 8 (xã Mỹ Lộc). Chị Nh. làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Còn chồng ở nhà nuôi bò. Do anh T. thường xuyên uống rượu chè và nhiều lần cũng đánh mắng vợ con. Đầu tháng 10, anh T. có uống rượu và la mắng con. Chị Nh. đi làm về thấy vậy can ngăn thì bị chồng đánh. Chị Nh. chạy về ba mẹ chồng thì vẫn bị anh T. đuổi đánh.

Thấy con dao gọt xoài để trên bộ ngựa, chị Nh. cầm lên dọa song anh T. vẫn đánh vợ. Vì quá uất ức, chị Nh. đâm 2 nhát dao vào vùng ngực khiến anh T. bị thủng tim và tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Giờ chồng chết, vợ bị tạm giam, 2 đứa con mồ côi. Chị Võ Thị Tư xót xa: “Cả xã nghe tin đều bàng hoàng, chị Nh. chưa đến kêu cứu hội phụ nữ ấp hay công an lần nào (dù theo người xung quanh vợ chồng chị T. từng xảy ra cãi cọ). Giá như chị Nh. bình tĩnh hơn, trình báo cơ quan chức năng để được can thiệp, xử lý”.

Đa số các vụ BLGĐ khác, nạn nhân thường là những đứa con. Dù con của chị T. được ông bà bảo bọc, không bị dở dang việc học, song con trẻ sẽ bị tổn thương nặng về tinh thần khi chứng kiến cảnh cha bị mẹ đánh thường xuyên và chính mẹ đã lỡ tay đâm chết cha mình.

Rồi, tương lai của các em sẽ ra sao khi giờ đây phải sống thiếu tình thương của ba mẹ. Như vụ cặp vợ chồng ở một khu dân cư nọ, chồng chém vợ vì ghen vợ có tình ý với ông hàng xóm. Kết quả vợ bị thương nặng, chồng ở tù, hai đứa con bỏ học giữa chừng, con gái còn bỏ theo người khác khi tuổi còn quá nhỏ.

Theo chị Võ Thị Tư, người bị bạo lực không nên chỉ cam chịu mà cần bày tỏ với người thân, chính quyền địa phương để địa phương kịp thời có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn… tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn- Trưởng bộ môn Tâm lý- Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho lời khuyên: Cần tuyên truyền cho những phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, hiểu những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình. Nâng cao sự nhận thức của các ông chồng trong cuộc sống từ đó bớt những mâu thuẫn nảy sinh và hiện tượng bạo hành không còn nữa. Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng như các ban ngành có liên quan cần bảo vệ phụ nữ nhiều hơn nữa cũng như cần phải giải thích cho họ hiểu rằng không nên cam tâm với sự bạo hành đó, mà cần nhờ các tổ chức ban ngành có liên quan hỗ trợ, hay nhờ các nhà tư vấn. Hiện giờ các tỉnh thành cũng có những đường dây tư vấn hay một số đường dây nóng. Đây là điều rất cần thiết để có thể hỗ trợ những người phụ nữ bị BLGĐ.

Trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại tâm lý đó là chuyện riêng tư của gia đình từ chính các nạn nhân cũng như từ chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực. Đa số các vụ việc được phát hiện là bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần như lăng nhục, chửi bới, đập phá đồ đạc gây ồn ào, rượt đuổi trên đường phố…, còn những hình thức bạo lực tinh thần, tình dục, kinh tế có xảy ra trong đời sống gia đình nhưng khó phát hiện.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực gần 6 năm nhưng mọi người vẫn chưa nhận thức, nắm rõ.


SONG ANH