Cẩn thận ứng phó hạn mặn bằng những giải pháp "cứng"

Cập nhật, 06:03, Thứ Bảy, 23/03/2024 (GMT+7)

Trước tình hình hạn mặn của ĐBSCL, gần đây đã có những đề xuất chính thức việc xây dựng những công trình “chia nước” về các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang từ sông Đồng Nai và lấy nước từ sông Hậu về chống hạn mặn cho tỉnh Cà Mau.

Bộ Nông nghiệp-PTNT chưa đồng ý trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, về lâu dài cũng cần có quan điểm khoa học, căn cơ, rõ ràng và có tiếp thu kinh nghiệm dân gian về trị thủy đã được tích lũy qua cả một quá trình lịch sử vùng đất Nam Bộ này.

Kết luận về đề xuất lấy nước từ nơi khác về cho Bến Tre, Tiền Giang đã được giải thích có những giải pháp phù hợp nội vùng đủ sức chống chọi với hạn mặn cho khu vực này. Còn vấn đề “giải cứu” hạn mặn cho Cà Mau mà cụ thể trước mắt là huyện Trần Văn Thời, có rất nhiều vấn đề đặt ra và cũng có rất nhiều giải pháp nội vùng có thể giải quyết được, mà còn ít tốn kém hơn, mang lại lợi ích cho địa phương nhiều hơn.

Điều đặc biệt quan trọng là trường hợp khẩn thiết, bí bách mới nên dùng đến những giải pháp “cứng” bằng những công trình, bởi nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng, sẽ xâm phạm thô bạo vào hệ sinh thái tự nhiên. Phá vỡ sự cân bằng của quy luật tự nhiên.

Huyện Trần Văn Thời còn vùng sản xuất lúa lớn, là nơi dễ thiếu hụt nguồn nước ngọt nhiều nhất, lại có vùng ven đê biển ngàn tỷ đi qua. Vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ chủ yếu là nước ngập ngọt nội vùng, không thụ hưởng nguồn nước từ hệ thống sông Mekong, cho nên khi hạn gay gắt dễ dàng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn. Hàng loạt cống ngăn mặn lớn nhỏ đã hoàn thành ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, ngay thời điểm này được biết các cống này cũng đang có vấn đề vận hành.

Thay vì tiếp tục bỏ ra hàng ngàn tỷ hay hàng chục ngàn tỷ để tạo những công trình “chia nước” từ sông Hậu về, đã có ý kiến cần chuyển đổi phương thức canh tác phù hợp vùng ven biển vừa đem lại lợi ích nông dân, vừa không tốn kém đầu tư và không can thiệp quá sâu vào hệ sinh thái tự nhiên.

Nên nhớ, đã có những hậu quả “nhãn tiền” từ việc đào kênh dẫn ngọt không tuân theo quy luật của đồng bằng này. Những công trình đào kênh, dẫn nước ở đồng bằng qua các thời kỳ của ông cha ta thời xưa đã chứng tỏ tính đúng đắn, tính thuận tự nhiên của nó, nên tạo nên hiệu quả lớn và bền vững cho đến ngày nay.

Nước sông Hậu đã được dẫn vào “vùng giữa” này thời kỳ Pháp thuộc, dựa trên nguyên tắc: hết dòng nước bạc và dòng chảy không thông thương thì dừng lại. Sau này, nhiều con kênh tiếp tục lấn sâu xuống vùng mặn giáp tỉnh Cà Mau đều trở thành những dòng kênh “chết”. Tạo nên tác động xấu đến cả vùng bị nhiễm mặn nặng nề, mà đến nay chưa xử lý được.

Có những kiến thức, học thuật hiện đại rất cần lắng nghe, tiếp thu những kinh nghiệm từ đời sống văn hóa dân gian, những kinh nghiệm đã được tích lũy, thực hiện và được minh chứng qua thời gian hàng trăm năm. Tránh những cách làm xâm phạm thô bạo đến những quy luật tự nhiên, mà phá vỡ sự cân bằng của cả vùng.

NGỌC TRẢNG