Vật liệu cát chưa hết "nóng"

Cập nhật, 05:01, Thứ Năm, 21/03/2024 (GMT+7)

Trong khi các tuyến cao tốc ĐBSCL liên tục được thúc giục; bộ, ngành, địa phương cũng hối hả, nhưng nút thắt vật liệu cát vẫn là bài toán nan giải.

Có lẽ, chưa bao giờ ai nghĩ “vựa cát” như ĐBSCL có ngày sẽ lại “hụt cát” để xây dựng các công trình và đang ngày trở nên trầm trọng. Theo Bộ TN-MT, trữ lượng cát tự nhiên dùng để san lấp của khu vực này khoảng 37 triệu m3. Riêng giai đoạn 2022-2025, 6 tuyến cao tốc triển khai cần gần 50 triệu m3 cát, chưa kể các dự án giao thông cấp tỉnh, cần khoảng 36 triệu m3 cát trong các năm 2023-2024… Phần lớn trữ lượng khai thác những dòng sông ở đây ngày càng cạn kiệt; những mỏ cát mới chưa được cấp phép vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố về môi trường.

Một trong nhiều giải pháp từng được các chuyên gia nêu ra phần nào giải quyết tình trạng thiếu cát là nên xây dựng đường cao tốc trên cao- như đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương dài hơn 10km được đưa vào khai thác nhiều năm qua. Phương án này cũng được cho phù hợp ĐBSCL vốn có cốt nền yếu, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như tránh được sụt lún, ngập nước; ít phải thu hồi giải tỏa đất…

Bên cạnh, là nghiên cứu đưa cát biển vào sử dụng. Tín hiệu đáng mừng là cách đây ít hôm, Bộ GT-VT có thông báo một số kết quả việc sử dụng cát biển làm nền đường đã được thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang- Cà Mau (thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025) có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “nền đường- thi công và nghiệm thu”.

Tuy nhiên, việc thí điểm “chỉ với quy mô nhỏ”, cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ… Vì vậy, theo Bộ GT-VT “cần có đánh giá tác động môi trường khi sử dụng diện rộng”.

Tài nguyên dù dồi dào đến mấy rồi cũng có ngày cạn kiệt. Cát- nguồn vật liệu quan trọng cho công trình xây dựng cũng không nằm ngoài quy luật. Vấn đề là cần có những giải pháp lâu dài, nhất là các tuyến cao tốc đang triển khai, chứ không để chuyện thiếu cát san lấp cứ loay hoay và luôn là chuyện “nóng” kéo dài trong nhiều năm qua và chưa biết khi nào giải quyết được!

N. HOÀNG