Dẫn nước từ miền Đông về miền Tây, được không?

Cập nhật, 07:10, Thứ Sáu, 15/03/2024 (GMT+7)
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, đợt cao điểm về xâm nhập mặn (từ ngày 10-15/3) xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL.
 
Trong Công điện số 19/CĐ-TTg gửi các bộ liên quan và chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm. Theo đó, chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
 
Thời gian qua đã xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở ĐBSCL xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
 
Tại buổi khảo sát các công trình chống hạn mặn tại địa phương của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã đưa ra đề xuất: Hiện sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối, nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như Sài Gòn, Đồng Nai để giải quyết nhu cầu cấp bách của các tỉnh ĐBSCL mùa hạn mặn.
 
Ông Tam lý giải: Miền Đông có địa hình cao nên có thể khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ khu vực này về Long An, Tiền Giang, sau đó đến Bến Tre với khoảng cách mỗi tỉnh chỉ vài chục km. Nếu chưa đủ chi phí đầu tư hệ thống ống dẫn nước sản xuất thì triển khai trước hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt.
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Bến Tre, mặn xâm nhập hệ thống sông rạch tại Bến Tre ảnh hưởng cuộc sống hàng chục ngàn hộ dân. Do nguồn nước trên sông rạch bị nhiễm mặn, độ mặn tại một số nhà máy hiện ở mức 0,1-5,1‰, khiến hơn 10.000 hộ dân phải xài nước máy có độ mặn vượt ngưỡng cho phép 0,5‰.
 
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn tại 2 tiểu vùng Bắc và Nam. Về lâu dài cần nghiên cứu làm cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông để giúp các tỉnh miền Tây đối phó hạn mặn. 
 
Đề xuất dẫn nước từ miền Đông về miền Tây được nhiều người nhận xét khá thú vị và có thể sẽ là cách hay cung cấp nước ngọt cho người dân, chẳng hạn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh gần như bị mặn xâm nhập trong mùa cao điểm. Dù vậy, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động về nhiều mặt của nó. Và trong khi chờ đợi các giải pháp khả thi mang tính lâu dài, các địa phương ĐBSCL cần linh hoạt và thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn.
YÊN HƯƠNG