Nghĩ cho nông sản miền Tây

Cập nhật, 07:15, Thứ Năm, 07/03/2024 (GMT+7)

Những ngày này, tràn ngập các ngả đường, vỉa hè miền Tây, đâu đâu cũng thấy cam sành đổ đống bên cạnh những tấm biển 10.000-15.000 đ/kg. Nhưng đây là giá “qua tay” thương lái, còn tại vườn bèo bọt hơn nhiều.

Giải thích của lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương không có gì mới, nguyên nhân của thảm trạng “được mùa mất giá” là do cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Mặc dù đã được khuyến cáo, người dân vẫn trồng ồ ạt dẫn đến “cung” vượt “cầu”.

Viễn cảnh này không mới và cũng không riêng cam sành, dấy lên nỗi lo mỗi khi hay tin cây trồng nào phát triển “nóng”. Cách nay hơn 2 năm, khi trái sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất. Minh chứng là có thời điểm, giá bán sầu riêng đã tăng gấp 3 lần, nên nông dân tìm mọi cách để mở rộng diện tích. Tình trạng này đã ghi nhận ở một số nơi ở Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ. Đáng lo ngại, bà con mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế.

Trước đó, do mít Thái được giá giúp bà con nông dân thu lãi cao, có thời điểm mỗi hecta cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Vì vậy, một số địa phương nông dân đua nhau trồng nhưng đến khi rớt giá lại quay sang chặt bỏ.

Trở lại với sầu riêng, rất mừng là hiện giá cả vẫn ổn định ở mức cao, nhưng thời gian tới vẫn chưa biết được khi diện tích ngày càng “nở nồi”. Trong khi hệ lụy được ngành chuyên môn chỉ ra một khi trồng không theo quy hoạch là về dịch bệnh, đất đai, môi trường sinh thái...

Nông sản- thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, nhất là ĐBSCL thì lẽ nào trồng loại gì đều đứng trước nguy cơ “được mùa mất giá”. Vấn đề này tại rất nhiều hội thảo chuyên đề cũng đã đặt ra. Cơ quan quản lý chuyên môn đưa ra nhiều khuyến cáo, nhưng xem ra chưa mang lại những hiệu quả, bởi chưa bắt “đúng mạch” là thông tin định hướng và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông dân. Nhất là sự phối hợp và “phân vai” trên tinh thần cộng sinh chưa phát huy hết nhiệm vụ.

Việc chính của người nông dân là sản xuất, buôn bán là chuyện của thương nhân. Và vai trò của Nhà nước là xây dựng và hoàn thiện chính sách và cơ chế giám sát để tạo điều kiện đôi bên hợp tác... Một khi làm tốt những điều kiện này, bên cạnh đảm bảo những yếu tố khách quan như về giao thông, kho bãi mới hy vọng khắc phục nghịch lý “đất giàu người nghèo” để sầu riêng tương lai không là sầu chung nữa.

N. HOÀNG