Nghiên cứu về đạo đức AI

Cập nhật, 07:10, Thứ Sáu, 01/03/2024 (GMT+7)

“Đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) là vấn đề phức tạp, quy mô toàn cầu, đang thu hút nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới tham gia tìm phương án giải quyết, gồm cả UNESCO”- Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo “Phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm: Lý luận và thực tiễn” do Trường ĐH Luật- ĐH Quốc gia Hà Nội, tổ chức vừa qua.

Dựa trên kinh nghiệm ở nhiều nước và nguyên tắc của UNESCO, Việt Nam đang xây dựng quy định nhằm phát triển AI một cách có đạo đức, trách nhiệm. Theo Thứ trưởng, đạo đức AI ảnh hưởng tới đa dạng khía cạnh cuộc sống như xã hội, pháp lý, cạnh tranh chính trị và cạnh tranh thương mại. Với thực tiễn Việt Nam, quá trình này cần sự phối hợp của kỹ sư, nhà khoa học và các cơ quan quản lý như Bộ KH-CN, Bộ Thông tin-TT, Bộ Công an.

Cũng theo Thứ trưởng, nguyên tắc của UNESCO đang là cơ sở để các nước xây dựng quy định về đạo đức AI. Trước tiên, mô hình AI cần tuân thủ thiết kế, nhiệm vụ được thiết lập ngay từ đầu, nhằm đảm bảo không có các hành động phá hoại, gây tổn hại cho con người. Bên cạnh đó, một số nguyên tắc quan trọng về đạo đức AI như đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền tác giả, bản quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất lao động nhưng cần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết Việt Nam đang theo dõi việc triển khai các quy định về phát triển AI có trách nhiệm tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, để có thể nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý phù hợp với thực tiễn trong nước. Cụ thể, cuối 2023, Liên minh Châu Âu đã thông qua các nguyên tắc trong đạo luật AI Act, dự kiến công bố muộn nhất vào quý II/2024. Đây hiện là bộ luật đầu tiên và toàn diện nhất, có nhiều sáng kiến nhằm đối phó với nguy cơ từ AI.

Khác với châu Âu, Mỹ lại xem xét các phản ứng từ khu vực tư nhân để xây dựng cách quản lý AI. Trung Quốc và Nhật Bản cũng là hai quốc gia có nhiều bước tiến trong việc phát triển AI có trách nhiệm.

“Quá trình quản lý AI tại các nước cùng khu vực như Trung Quốc và Nhật Bản có thể là kinh nghiệm phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam. Ngoài pháp lý, trách nhiệm ở đây còn là trách nhiệm với xã hội, con người”- PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh- Hiệu trưởng Trường ĐH Luật- ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có nội dung về đạo đức sản phẩm số, gồm cả trí tuệ nhân tạo.

YÊN HƯƠNG