Tiếc những bộ phim hay nhưng ít người xem

Cập nhật, 05:41, Thứ Bảy, 24/02/2024 (GMT+7)

Trong một tuần trở lại đây, phim “Đào, phở và piano” bỗng dưng nóng trở lại sau thời gian ra mắt hồi tháng 9/2023 rồi gần như chìm vào im lặng, một phần nhờ hiệu ứng mạng xã hội. Một bộ phim có chủ đề, nội dung hay, khó thực hiện với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi, tài năng của đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Những bộ phim được sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, được thực hiện công phu nhưng thường hoàn toàn “hụt hơi” khi ra rạp cùng lúc với những bộ phim tư nhân có doanh thu khủng.

Điều này thật đáng tiếc, những đề tài hay đặc biệt đề tài về chiến tranh, về Hà Nội xa xưa được đầu tư công phu như thế lại không đến được với đông đảo người xem trong nước. Thường là khi phát hành thời gian rồi có nguy cơ xếp vào kho.

“Đào, phở và piano” với sự tham gia của: NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ già), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở), Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán)…

Bối cảnh phim mở ra một không gian Hà Nội của gần 80 năm trước, một chiến lũy ở một khu phố cổ mùa đông năm 1946, trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô.

Không gian đó, khoảnh khắc đó, dù là trên một chiến hào nhưng không thể ngăn người xem liên tưởng, nhớ nhung về những lời ca da diết “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang: “Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…”, nó thật sự rất gợi lên những trường liên tưởng về những nét văn hóa rất đặc trưng Hà Nội.

Câu chuyện phim chỉ diễn ra ngắn ngủi trong một ngày đêm, nhưng cũng đủ vẽ lên một Hà Nội xa xưa từ gần 80 năm trước. Hà Nội cùng cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là một Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội nhân văn mà mạnh mẽ can trường với nhiều tầng lớp Nhân dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt xuất thân, nghề nghiệp hay tôn giáo…

Hà Nội là bản anh hùng ca mở đầu những năm tháng kháng chiến chống Pháp của cả nước. Với số lượng vũ khí thô sơ, ít ỏi, chênh lệch lớn so với kẻ thù nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn quả cảm chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu. Trong ác liệt của chiến tranh vẫn toát lên tinh thần, cốt cách con người Hà Nội.

Tiếc một bộ phim có chủ đề, nội dung hay và thực hiện công phu nhưng theo một số nhận định chung, phim Nhà nước vẫn “hụt hơi” với phim tư nhân trong nhiều khâu quảng bá, phát hành. Đó là một trong nhiều lý do mà những bộ phim quý lại ít người xem; trong khi nhiều bộ phim “mì ăn liền” thì thường dễ thắng lớn khi ra rạp.

NGỌC TRẢNG