Tiền mặt- mặt tiền?

Cập nhật, 05:43, Thứ Sáu, 13/11/2015 (GMT+7)

Gần 80% giao dịch qua ATM là rút tiền mặt. Thông tin trên từ cuộc họp báo về đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cho thấy mục đích sử dụng các công cụ thanh toán điện tử là không dùng tiền mặt trong tiêu dùng đang có sự… chệch hướng.

Trong khi ngày càng nhiều nước trên thế giới khuyến khích hạn chế sử dụng tiền mặt thì ở Việt Nam, người dân có quan niệm còn lạc hậu. Họ quan niệm “cầm tiền mặt mới chắc ăn” hay còn chơi chữ “tiền mặt- mặt tiền”, dù cả nước có trên 79 triệu thẻ ATM do 52 tổ chức phát hành, 15.931 máy ATM, 167.943 máy POS (tính đến hết tháng 11/2014). Rồi là chưa kể nào là thẻ VISA, thẻ thấu chi,…

Do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM vẫn chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt; mặc dù tỷ lệ rút tiền mặt qua máy ATM đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM. Không chỉ người dân mà giới công chức khi điện thoại “tít tít…” báo có lương là ra cây ATM rút cho kỳ hết (để ít tốn phí chăng?).

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Một là, mức lương cho người lao động còn khiêm tốn, không có dư để tích lũy trong thẻ. Hai là, hệ thống bán hàng có quẹt thẻ (như ở các siêu thị) không có nhiều. Ba là, với người có dư tiền thì tiền tích lũy mà để trong thẻ không sinh lợi bằng rút ra lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng. Chính vì vậy, để đôi bên cùng có lợi, thiết nghĩ, ngân hàng cũng nên chú ý tới quyền lợi của chủ thẻ.

Để thu hút người dân chi tiêu qua thẻ và sử dụng các tiện ích của ngân hàng, cần phát triển hệ thống thanh toán qua thẻ trên diện rộng, Nhà nước cũng nên có quy định các giao dịch tiền tệ lớn thì không được sử dụng tiền mặt.

Muốn thay đổi thói quen dùng tiền mặt, ngân hàng phải tự làm cuộc cách mạng để người dân tin cậy, tin dùng chuyển sang giao dịch với ngân hàng vậy!

ĐÔNG PHƯƠNG