Cần quy định trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân

Cập nhật, 17:02, Thứ Năm, 12/11/2015 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/11, đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn quá chung, cần cụ thể, nhất là dự thảo cần quy định trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân.

*Đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long)

Phạm vi điều chỉnh dự thảo luật, tôi cho rằng thông tin tuyên truyền Luật Trưng cầu ý dân là nội dung không thể thiếu, bởi cung cấp cho dân đầy đủ về những vấn đề trưng cầu ý dân để người dân hiểu rõ nội dung và ý nghĩa quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia trưng cầu ý dân.

Đánh giá khiếu nại của công dân quá trình trưng cầu là vấn đề lớn, để đấu tranh với những tiêu cực, sai sót. Dự thảo mới chỉ quy định quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, các vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân lại chưa đề cập đến. 

Tôi đề nghị, cần quy định thêm chế định khiếu nại kết quả trưng cầu ý dân của công dân khi phát hiện kết quả đó không khách quan, chưa chính xác, có dấu hiệu gian lận trong kiểm phiếu, công bố kết quả. Trong đó cần quy định rõ nơi nào là nơi khiếu nại, nơi nào giải quyết khiếu nại, trong thời gian bao lâu.​

*Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đơn vị tỉnh Hải Phòng)

Theo tôi, việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. 

Điều 6 đã chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân nhưng xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở các khoản của điều này rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng.

Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân. Đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không, việc trình Quốc hội xem xét, thủ tục trình và xem xét như thế nào. Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống là vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”.

HOÀNG MINH (Thực hiện)