Đất đai là "giang sơn gấm vóc"

Cập nhật, 05:58, Thứ Năm, 12/11/2015 (GMT+7)

Chuyện sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường quốc doanh thực sự làm nóng nghị trường Quốc hội ngày 10/11.

Hơn 30 ý kiến đã tham gia thảo luận. Và còn nhiều ý kiến đăng ký, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “xin phép Quốc hội dừng vì hết thời gian”. “Nóng” cũng đúng, bởi nhìn vào báo cáo và thảo luận qua quá trình giám sát của các đại biểu mới thấy hết sự lo ngại, bởi tài nguyên quốc gia đang buông lỏng quản lý rất đáng tiếc.

Đến mức, tại một số đơn vị chưa lập được bản đồ, xác định hồ sơ ranh giới. Nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động rồi buông lỏng quản lý, khoán trái pháp luật, có nơi khoán kiểu “phát canh thu tô”.

Người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngay tại Hà Nội, bất cập trong việc quản lý đất nông- lâm trường cũng chất chứa vô vàn ngang trái. “Xin thưa, không ở đâu xa, tại Thủ đô Hà Nội đất nông, lâm trường cũng bị lấn chiếm”- đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho biết.

Trong khoảng 8 triệu hecta đất đai do các nông- lâm trường quản lý- được cho là rất lớn- nhưng trong vòng 10 năm (2004- 2014) nộp ngân sách nhà nước chỉ hơn 1.700 tỷ đồng, nghĩa là chỉ khoảng 90.000 đ/ha/năm, “tương đương 5 ký gạo”.

Có rất nhiều biệt thự nguy nga ngang nhiên mọc lên trên đất nông- lâm trường, khiến không ít đại biểu xót xa khi cho hay, tại nhiều địa phương nông dân thiếu đất ở và sản xuất, đói nghèo tranh chấp, mâu thuẫn thưa kiện diễn ra.

Hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm đã được đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt ra: “Xin hỏi người đứng đầu, bộ phụ trách có trách nhiệm gì không? Ý kiến ngành tài chính ra sao hay vào túi cá nhân nào?

Cuối cùng, dù “Tư lệnh” Bộ Nông nghiệp- PTNT và Tài nguyên- Môi trường đã đăng đàn “xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội”, nhưng điều mà người dân chờ đợi lúc này là cần làm rõ trách nhiệm hơn nữa.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt, tấc đất không chỉ là tấc vàng, mà còn là “giang sơn gấm vóc”, vì vậy rất cần khai thác và quản lý hợp lý.

HOÀNG MINH