"Áo đen" ở bệnh viện

Cập nhật, 06:00, Thứ Năm, 12/11/2015 (GMT+7)

Ở bệnh viện, có y- bác sĩ được mệnh danh là “thiên thần áo trắng” và bệnh nhân và người nhà của họ. Vậy “áo đen” ở đây là ai?

Đó là những côn đồ xâm nhập vào bệnh viện và làm đảo lộn mọi thứ mà gần đây các trang báo mạng thông tin khá nhiều vụ. Có thể là “áo đen” nóng lòng vì người nhà của mình “bệnh thì nặng mà sao cứ cho nằm đó chờ” hoặc tử vong nên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với cánh “áo trắng”.

Có thể là vì mâu thuẫn giải quyết từ bên ngoài (với bệnh nhân) chưa thấy thỏa nên “áo đen” xông vào bệnh viện tấn công tiếp. Cho dù với lý do gì thì hành động này cũng đều đáng lên án và cần phải bị “nhổ tận gốc”.

Ai cũng biết, không phải khi bệnh nhân nhập viện là bác sĩ biết ngay người đó bệnh gì, tổn thương ra sao? Muốn chẩn đoán đúng bệnh tình và có hướng xử lý thích hợp nhất, tốt nhất thì phải qua một quá trình, từ sơ khởi như đo huyết áp, thử máu cho đến xem xét lâm sàng rồi cận lâm sàng…

Ai cũng hiểu tính mạng của con người là trên hết, nên các nhân viên y tế luôn đứng trước một áp lực vô cùng lớn để tranh giành sự sống cho người bệnh. Một điều có thể khẳng định rằng không một người thầy thuốc nào không muốn bệnh nhân được khỏi bệnh, không ai mong muốn điều bất hạnh đến với bệnh nhân cả. Nếu có chăng cũng chỉ là do tai nạn nghề nghiệp mà thôi.

Thế nên khi người nhà bệnh nhân trở thành “áo đen” thì việc cấp cứu hay điều trị bệnh nhân bị cản trở và gây nguy hiểm cho chính người nhà của họ hoặc các bệnh nhân khác, bởi có khi sự náo loạn đó kéo bệnh nhân qua “giờ vàng” để điều trị.

Môi trường bệnh viện vốn cần được trật tự, yên tĩnh và quan trọng là cứu người nên không chỉ là siết chặt an ninh bệnh viện mà cần có chế tài thật nghiêm đối với đối tượng này. 

ĐÔNG PHƯƠNG