Bàn giải pháp khắc phục chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh

Cần thay đổi triệt để trong nhận thức

Cập nhật, 05:39, Thứ Sáu, 13/11/2015 (GMT+7)

Với việc xếp hạng 57/63 tỉnh- thành trên cả nước (tụt 17 bậc so năm 2013 và 47 bậc so năm 2012), UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 để tìm ra giải pháp khắc phục.

Để đạt kết quả CCHC như mong muốn, cán bộ, công chức phải hiểu CCHC là cải cách cái gì và như thế nào.
Để đạt kết quả CCHC như mong muốn, cán bộ, công chức phải hiểu CCHC là cải cách cái gì và như thế nào.

Nhiều hạn chế chưa được khắc phục

Công cuộc CCHC của tỉnh đã thực hiện từ nhiều năm nay nhằm hướng tới việc thay đổi cơ chế hành chính hiện hành, để phù hợp với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa.

Đồng thời, xóa bỏ các thủ tục hành chính quan liêu, rườm rà, tạo một hệ thống thủ tục đơn giản, công khai, thuận lợi.

Chỉ số CCHC cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần, phản ánh toàn bộ việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh. Năm 2014, trong 8 lĩnh vực, Vĩnh Long có 4 lĩnh vực xếp ở thứ hạng khá cao so cả nước, cụ thể ở lĩnh vực 1 về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC xếp thứ 53/63 tỉnh; lĩnh vực 2 về xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh xếp thứ 59/63 tỉnh; lĩnh vực 3 về cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 62/69 tỉnh; lĩnh vực 4 về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước xếp thứ 57/63 tỉnh; các tiêu chí còn lại xếp từ 20 đến 39. Kết quả, đánh giá chỉ số CCHC tỉnh Vĩnh Long năm 2014 xếp hạng 57/63 tỉnh- thành trên cả nước, tụt 17 bậc so năm 2013 và 47 bậc so năm 2012.

Việc chỉ số CCHC giảm đã ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh. Năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số PCI tỉnh Vĩnh Long đạt 59,54 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh (giảm 5 bậc so cùng kỳ), đứng thứ 6 trong khu vực ĐBSCL và thuộc nhóm điều hành khá.

Theo ông Lương Tấn Thi- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư, chỉ số PCI nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC của chính quyền các cấp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Thế nhưng, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Vĩnh Long có 6 chỉ số giảm mà tỉnh cần chú ý khắc phục. Thứ nhất là tiếp cận đất đai, phản ảnh về việc tiếp cận các quy hoạch sử dụng đất, các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích, các kế hoạch công khai về đấu giá để tham gia xây dựng dự án.

Thứ hai là chi phí không chính thức liên quan vấn đề nhũng nhiễu; thứ ba tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp liên quan đến việc triển khai các chính sách của Trung ương chưa kịp thời, những kiến nghị của doanh nghiệp giải quyết chưa tốt.

Ngoài ra, còn nhóm giảm điểm và giảm hạng như chi phí về thời gian, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng cũng phải sớm khắc phục. Theo ông, nếu các chỉ số trên không được cải thiện hoặc đứng yên trong khi các tỉnh khác làm tốt thì đương nhiên các chỉ số của tỉnh sẽ giảm.

Cần thay đổi triệt để trong nhận thức

Một số hạn chế rút ra được từ việc công bố các chỉ số CCHC, PCI trong năm 2014 là việc thực hiện cơ chế một cửa ở một số nơi còn rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cũng như còn hiện tượng đùn đẩy, thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất.

Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số CCHC giảm theo ông Nguyễn Thành Nhôm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là vẫn còn tư tưởng không quan trọng quá CCHC trong cán bộ, công chức nên không có sự quyết tâm thực hiện.

Ngoài ra, còn có tình trạng chưa hiểu hết văn bản cấp trên; thiếu kế hoạch chi tiết, cụ thể, ngại đổi mới nên có hiện tượng thực hiện nửa vời và thiếu cán bộ chuyên trách. Để giải quyết vấn đề này, ông đề nghị cần khắc phục ngay những vấn đề trên, cần thay đổi triệt để trong nhận thức của cán bộ, công chức thì việc CCHC mới có thể đạt kết quả như mong muốn.

Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng trước mắt chúng ta có thể khắc phục được ngay các điểm trừ là không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về thời gian. Một vấn đề quan trọng theo ông là nên tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả cán bộ sở, ban ngành, địa phương hiểu rõ ràng về CCHC là như thế nào, không thể để tình trạng hiểu mơ hồ, không biết CCHC là “cải cách cái gì” và nếu đi vào thực hiện chỉ có thể đạt được ở mức quyết tâm chính trị mà thôi.

Ông đề nghị cần đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền CCHC trên phương tiện truyền thông, tổ chức các hội thảo chuyên đề về những chỉ số chưa đạt yêu cầu để tìm giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Để cải thiện chỉ số PCI, ông Lương Tấn Thi đề nghị các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch khắc phục chỉ số PCI và báo cáo tiến độ thực hiện. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong việc tố cáo hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, thái độ phục vụ không tốt của cán bộ trong thi hành công vụ.

Cần quy định cụ thể chi phí, thời gian thực hiện các công việc có liên quan đến trình tự thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất, thuế theo cơ chế liên thông nhằm rút ngắn tối đa thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.

Với những hạn chế trong năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang yêu cầu các ngành được giao thực hiện nhiệm vụ phải tự rút kinh nghiệm. Ông đề nghị, các ngành, địa phương phải tự xây dựng giải pháp khắc phục thời gian tới và việc khắc phục chỉ số CCHC sẽ đưa vào xem xét thi đua hàng năm.

Bài, ảnh: THANH TÂM