Về Cồn Tàu tự hào nghe tích cũ

Cập nhật, 08:55, Chủ Nhật, 24/01/2016 (GMT+7)

Ở TX Duyên Hải (Trà Vinh), có nhiều địa danh mang tên “cồn” mà địa danh nào cũng có sự tích hình thành gắn liền với hành trình khai làng mở cõi của cha ông. Hôm nay mời bạn cùng tôi tìm về tích cũ- một trong những địa danh cồn kỳ thú đó- Cồn Tàu.

Bến Cồn Tàu- nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu Không số.
Bến Cồn Tàu- nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu Không số.

1. Tương truyền...

... Ngày xưa tại bờ biển tỉnh Trà Vinh có con rạch nhỏ đổ ra biển nay gọi là vàm Khâu Lầu. Đây là nơi trú ngụ lý tưởng khi biển động cho các loại ghe đánh cá, ghe buôn khi đi qua vùng này. Năm đó, một chiếc tàu buôn bị hỏng buồm ngoài biển trôi tấp vào đây và mắc cạn.

Chữa buồm xong, chiếc tàu cố vùng vẫy nhưng vẫn bị sóng đánh, cát lấp vùi. Cuối cùng, chiếc tàu kia bị kẹt cứng dưới một cồn cát nhỏ. Chủ tàu từ bỏ chủ quyền đối với con tàu và đi đâu mất. Người đi đánh cá ven biển gọi cồn cát này là Cồn Tàu để phân biệt với những cồn cát khác.

Lâu ngày, ở Cồn Tàu cây mọc thành rừng, chim thú về sinh sống. Sau đó người đi biển cũng ghé vào đây tá túc qua ngày khi gặp biển động. Thấy vùng đất bình yên, người ta cất nhà ở lại sinh sống lâu dài.

Cái tên “Cồn Tàu” đã trở thành điểm hẹn với người thân khi họ nhớ quê. Sau này lập làng, chính quyền sở tại cũng đặt tên đó là ấp Cồn Tàu. Cồn Tàu nay là một trong số 5 ấp của xã Trường Long Hòa (TX Duyên Hải) được bao bọc xung quanh bởi những con sông, con rạch.

Tuy chỉ là một xóm nhỏ nhưng Cồn Tàu đã ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử, trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia mà du khách mỗi khi đến Khu du lịch biển Ba Động Trà Vinh đều ước ao được khám phá.

2. ... Trong chiến tranh, đường bộ nối liền 3 ấp: Cồn Trứng, Cồn Tàu, Cồn Ông với một cánh rừng hoang vu, sình lầy và phải qua con sông Cồn Tàu cách trở.

Để cho nhân dân đi lại; dân công, bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí từ các con tàu không số ra chiến trường, người ta bắc một chiếc cầu khỉ dài gần cây số từ ấp Cồn Trứng (nơi Khu du lịch Biển Ba Động ngày nay) qua một cánh rừng sình lầy và con sông Cồn Tàu để đến ấp Cồn Tàu.

Không biết có ai đo đếm gì không, nhưng lúc đó ai qua chiếc cầu này đều kể cho người khác nghe rằng: Đó là cây cầu trăm nhịp. Do vậy trong kháng chiến ở huyện Duyên Hải có thơ rằng: “Nhớ trăng rọi bến La Ghi/ Nhớ cầu trăm nhịp má đi một mình”.

Trăm nhịp ở đây có lẽ không phải là con số học mà người ta muốn nói lên độ dài rất dài của chiếc cầu khỉ lần đầu tiên họ nhìn thấy trong đời. Chiếc cầu trăm nhịp tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân huyện Duyên Hải. Ngày nay ở Trường Long Hòa, dấu vết chiếc cầu trăm nhịp ấy không còn. Ước gì nó được phục chế để có thể trở thành một di tích hay ít ra cũng thu hút du khách.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chính quyền huyện Duyên Hải cho bắc lại chiếc cầu Cồn Tàu nối liền đường bộ từ biển Ba Động về tỉnh lỵ Trà Vinh. Nhìn công trường xây dựng cầu Cồn Tàu năm 1987, có người xúc cảm đề thơ với tựa đề “Chiếc cầu Cồn Tàu”:

Năm xưa em bắc cầu này

Dưới làn bom tấn, pháo bầy Mỹ rơi

Chiếc cầu trăm nhịp người ơi

Nối liền hai bến, đón người sang thăm

Cồn Tàu, Cồn Trứng, Cồn Ông

Tình ta bom đạn cách ngăn được nào

Gập ghềnh trăm nhịp cầu cao

Nâng bàn chân mẹ năm nào tiễn anh

Lên đường làm giải phóng quân

Đánh tan hết giặc- Nay anh trở về

Bắc cầu nối lại bến quê

Để cho hai xóm mãi kề bên nhau...

(Trích trong “Giấc ngủ con thơ của Trần Điền- NXB Văn hóa- Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2015)

3. Không chỉ bắc cầu trăm nhịp mà Cồn Tàu còn có một bến đò với người lái đò vô cùng vui tính…

Trong những năm chiến tranh, đế quốc Mỹ huy động đủ các loại phương tiện chiến tranh để đánh phá, “tát dân” vô cùng ác liệt đối với vùng giải phóng huyện Duyên Hải. Trước sự tàn phá vô cùng to lớn của đạn bom, chất độc hóa học của Mỹ, sự sống tưởng chừng như không tồn tại được.

Nhưng người dân ở đây vẫn sống, chiến đấu với giặc Mỹ, sản xuất, bắc cầu, đắp đường, trị bệnh, dạy học, đưa đò, hát ca, diễn kịch. Và, tất nhiên cũng bắn rơi khá nhiều máy bay, bắt sống cả giặc lái Mỹ. Họ đã làm hậu thuẫn khá vững chắc cho các khu căn cứ của kháng chiến. Câu chuyện sau đây kể về ông lái đò trên sông Cồn Tàu vào những năm đầy gian khổ ấy:

Ông cất một căn chòi nhỏ nằm chen trong rừng chà là cặp bờ sông Cồn Tàu cho vợ con cùng ở để… đưa đò. Là vùng đất ven biển nên địa bàn huyện Duyên Hải có đến 151km sông ngòi.

Trên hệ thống đường thủy chằng chịt này, bến đò ngang là đặc trưng của đường sá ở huyện Duyên Hải. Tôi nhớ lúc ấy, ông vừa làm lụng nuôi sống vợ con, vừa đưa đò. Khách sang đò của ông là giao liên, bộ đội, cán bộ, văn công và dân trong các xóm lân cận. Dường như ông không có lấy tiền của khách.

Có lần đơn vị chúng tôi đi công tác đến bờ sông Cồn Tàu thì trời quá khuya. Thấy chúng tôi mệt và đường còn xa, ông mời chúng tôi ở lại với chòi đò ông một đêm cho lại sức, ngày mai đi tiếp. Đêm ấy, chúng tôi ăn với ông lái đò bên bờ sông Cồn Tàu một bữa cơm độn khoai lang thật ngon lành.

Khi anh em chúng tôi bắt đầu đi vào giấc ngủ trên chiếc giường sóng lá trong căn chòi nhỏ của ông lái đò thì ở phía bờ sông có tiếng mấy con heo rừng đến ủi đất kiếm ăn. Nghe tiếng heo rục rịch, tôi hỏi:

- Nhà có chó săn không, dẫn ra đây bắt một con, sáng mai mình làm thịt, chú Sáu?

Ông lái đò trả lời mà không một chút suy nghĩ.

- Có con chó mực giỏi quá, nhưng tôi lỡ đốt cháy tiêu mấy bữa trước rồi.

Thiệt uổng!

Nghe ông lái đò nói chuyện, con chó mực nhà ông bị ông đốt cháy, tôi chưng hửng, vén mùng bước ra hỏi lại và ông cũng bước ra khỏi mùng vấn thuốc giồng kể tỉ mỉ rằng:

Vợ chú mới sanh đứa con thứ tư hơn mười ngày. Thím nằm ở giường trong đó. Chú có chuẩn bị một đống củ ráng để dưới giường, mỗi đêm đốt lửa cho thím Sáu nằm đỡ lạnh. Cây ráng ở rừng này tốt lắm. Củ nào củ nấy bằng bắp vế đen trùi trũi. Con chó mực ở nhà đêm nào ngủ cũng nằm cạnh đống củ ráng hơ lửa.

Bữa đó, ban ngày máy bay Mỹ ném bom dữ quá, không ai đi đâu được. Tối đến, anh em đi công tác sang sông đông quá, chú đưa đến quá khuya mới hết khách. Khi vào nhà, bếp lửa dưới giường thím Sáu tắt queo. Chú Sáu chụm củ ráng vào mẽ lửa cho bà xã rồi chui vào mùng ngủ.

Có lẽ do thức khuya mệt quá nên khi ngủ, chú mơ màng thấy bếp lửa tắt rụi, thím Sáu và đứa nhỏ lạnh run. Chú lồm cồm ngồi dậy chui ra khỏi mùng, đến bên giường sanh của thím Sáu, mắt nhắm mắt mở, tay lượm củ ráng chụm lia chụm lịa vào đống lửa.

Lúc đó, có con chó mực ngủ kế bên đống củ ráng, cả hai đều đen thui hết. Tiện tay và còn thèm ngủ, chú chụm luôn con chó mực rồi đi ngủ tiếp. Sáng ra, thấy bên đống lửa chỉ còn sót có hai cái chân sau của con chó. Thiệt uổng hết chỗ nói…

Tôi định hỏi ông lái đò xem tại sao con chó mực bị chụm không chịu la lên mà để cho lửa cháy gần hết…, thì mấy anh cùng đi với tôi đang nằm trong mùng nãy giờ tưởng ngủ, bỗng bật cười sặc sụa. Mấy con heo rừng ủi đất ở mé sông nghe tiếng động, hực hực mấy tiếng rồi ùa chạy vào rừng sâu. Anh em chúng tôi thức dậy ngồi uống nước trà với ông Sáu đưa đò luôn cho tới sáng.

Đưa chúng tôi sang sông rồi, ông lái đò còn cầm cây dầm đứng trước mũi xuồng nói với theo:

- Hôm nào có dịp trở lại, nhớ kiếm xin cho chú con chó con nghe tụi bây!

Tụi tôi cười muốn đau bụng suốt đường đi mà quên cả việc để ý theo dõi tiếng máy bay Mỹ…

4. Từ năm 1963 đến năm 1966, dọc bờ biển tỉnh Trà Vinh có 7 điểm bến như: Rạch Cỏ, La Ghi, Cồn Tàu, Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước đã bí mật tiếp nhận 16 chuyến tàu chở vũ khí từ Bắc vào Nam trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Riêng bến Cồn Tàu tiếp nhận 10 chuyến với hơn 680 tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cồn Tàu nay đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu

5. Cồn Tàu có Lăng Ông của ngư dân thờ cá Ông (ngư dân gọi là Đức Ông Nam Hải) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia cùng với Đình Miếu Cồn Trứng vào cuối tháng 12/2015. Đây là di tích lịch sử quốc gia thứ hai được xếp tại ấp Cồn Tàu.

Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN