U Minh Thượng hôm nay

Cập nhật, 08:19, Thứ Bảy, 02/01/2016 (GMT+7)

Những ngày cuối năm 2015, các nhà báo tỉnh Vĩnh Long được dịp đến thăm U Minh Thượng- một huyện của tỉnh Kiên Giang, được thành lập vào ngày 10/5/2007 gồm 6 xã tách ra từ các huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận.

Huyện U Minh Thượng phần lớn là khu bảo tồn đất ngập nước điển hình ở ĐBSCL; là khu căn cứ của các cơ quan lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ, Khu Tây Nam Bộ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang qua 2 thời kỳ kháng chiến và hiện có nhiều di tích văn hóa, lịch sử quan trọng.

Nét hoang sơ vùng đất U Minh Thượng thu hút du khách đến khám phá, tìm hiểu.
Nét hoang sơ vùng đất U Minh Thượng thu hút du khách đến khám phá, tìm hiểu.

Đôi nét về huyện U Minh Thượng

Các cán bộ lãnh đạo huyện U Minh Thượng cho biết, ngày đầu thành lập huyện, U Minh Thượng có cơ sở hạ tầng thấp, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh. Giao thông nông thôn lúc đó chỉ mới xây dựng được 10% các tuyến đường, có 21% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và có đến 20% hộ nghèo.

Nhưng chỉ sau gần 1 năm, tăng trưởng đã đạt 10,5%. Nhiều chỉ tiêu quan trọng như sản lượng lương thực, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế vượt mức đề ra, đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Nhiệm kỳ 2008- 2010, huyện U Minh Thượng đã tập trung đầu tư thực hiện dự án khôi phục phát triển vườn quốc gia; dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng.

Sau 2 năm, kinh tế huyện tăng trưởng 13,18%, thu nhập bình quân đầu người đạt 872 USD. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II (2010- 2015), Đảng bộ huyện U Minh Thượng trong số 23 chỉ tiêu nghị quyết, đã đạt và vượt 21 chỉ tiêu. Kinh tế tăng trưởng bình quân hơn 14%/năm, nông thôn từng bước được đổi mới.

Ông Giang Văn Phục- Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng cho biết: Huyện đã tập trung trên 1.936 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội như: Trung tâm hành chính huyện, hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, các công trình chợ xã, xây nhà cho đối tượng chính sách và người nghèo,…

Đến nay vùng đệm U Minh Thượng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng bền vững như mô hình chuối- cá, lúa- cá, màu- cá…

Nhiều hộ trong vùng đệm xây dựng được nhà ở khang trang, giá trị tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 6/6 xã của huyện. Đến nay, xã điểm Thạnh Yên đã thực hiện đạt 18 tiêu chí và phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào đầu năm 2016.

Người U Minh Thượng nỗ lực cải tạo, khai thác tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương.
Người U Minh Thượng nỗ lực cải tạo, khai thác tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương.

Điểm đến tiềm năng

U Minh Thượng có vườn quốc gia, nhiều di tích lịch sử, văn hóa phục vụ du khách như khu căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá, Khu di tích lịch sử An ninh Khu 9, căn cứ Sở chỉ huy các lực lượng vũ trang của Tỉnh đội, cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn có tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch sinh thái.

Trong những năm qua, U Minh Thượng đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử khu căn cứ kháng chiến và vui chơi giải trí cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn. Riêng 5 năm qua, lượng du khách đến với U Minh Thượng tăng 48%, doanh thu tăng 1,5 lần so với năm 2010.

Ông Giang Văn Phục cho biết thêm: “Định hướng đến năm 2020, huyện U Minh Thượng xác định vẫn tập trung sản xuất nông nghiệp. Thế mạnh thứ hai huyện đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng tốt các mô hình phát triển nông nghiệp đặc thù của địa phương để thu hút khách”.

Đặc biệt, Vườn quốc gia U Minh Thượng có thảm thực vật đa dạng với 254 loài thực vật; là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, với sự hiện diện của 32 loài thú, 186 loài chim, 54 loài bò sát, lưỡng cư, 64 loài cá, 252 loài côn trùng, 72 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Vườn quốc gia U Minh Thượng có sân chim lớn nhất khu vực ĐBSCL, là điểm nghiên cứu lý tưởng cho các nhà nghiên cứu chim và những du khách có sở thích xem chim.

Vườn quốc gia U Minh Thượng được thành lập năm 2002 thuộc địa bàn xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận có diện tích trên 21.000ha, trong đó, vùng lõi hơn 8.000ha, vùng đệm trên 13.000ha.

Năm 2006, Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là 1 trong 3 khu vực trọng yếu thuộc Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang; năm 2012 được công nhận là Vườn di sản ASEAN; và mới đây, vườn quốc gia U Minh Thượng được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới- ông Lê Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết.

Về U Minh Thượng hôm nay, người phương xa không chỉ đắm mình trong những câu chuyện lịch sử oai hùng mà còn được biết đến một vùng căn cứ xưa đang phát triển từng ngày.

Hồ Hoa Mai- một di tích chiến tranh- điểm đến cho những ai thích khám phá về truyền thống lịch sử oai hùng của vùng đất này.
Hồ Hoa Mai- một di tích chiến tranh- điểm đến cho những ai thích khám phá về truyền thống lịch sử oai hùng của vùng đất này.

Ở đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân U Minh Thượng hôm nay đang ra sức đẩy mạnh nuôi dưỡng và khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu truyền thống cách mạng bằng cách nghĩ, cách làm của mình, quyết tâm đưa huyện U Minh Thượng phát triển nhanh và bền vững. U Minh Thượng hôm nay- một điểm đến tiềm năng đang mời gọi du khách xa gần

Bài, ảnh: TRẦN ÚT