"Xứ kiểng" ngày giáp tết

Cập nhật, 15:15, Thứ Tư, 20/01/2016 (GMT+7)
Trạng nguyên đỏ rực tại vườn với giá 60.000- 65.000 đồng/chậu.
Trạng nguyên đỏ rực tại vườn với giá 60.000- 65.000 đồng/chậu.

Còn hơn nửa tháng nữa mới đến tết Nguyên đán nhưng dọc theo QL 57, chúng tôi đã thấy xuân về trên đôi tay khéo léo của những người thợ trồng hoa kiểng ở nơi được mệnh danh xứ kiểng Cái Mơn- Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Thăm “vương quốc” hoa kiểng

Những ngày này trở lại “vương quốc” hoa kiểng Cái Mơn, chúng tôi cảm nhận không khí lao động tất bật, hối hả của nhà vườn chuẩn bị mùa hoa tết. Mỗi người, mỗi việc: người tưới, người cắt tỉa, chăm sóc, người tạo dáng kiểng,…Tất cả với mong muốn góp thêm hương sắc cho mùa xuân mới.

Chị Thu Tâm (ngụ xã Vĩnh Thành) chủ vườn hoa đang cùng công nhân lặt chèo (những đọt non dư-PV) cho 4 công vạn thọ, chị niềm nở: “Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hoa, kiểng phát triển tốt, người trồng cũng phấn khởi lắm”.

Quả thật, có tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới cảm nhận được sự cần mẫn, khéo léo của những nhà vườn, từ việc chọn thời điểm xuống giống, chăm sóc để làm sao đảm bảo hoa ra đúng vào dịp Tết.

Với trên 40 năm làm nghề trồng kiểng bonsai, chú Thanh Long (chủ cơ sở kiểng Thanh Long, ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành) cho biết:

“Nghề nào cũng vậy, cũng đòi hỏi sự đam mê. Với kiểng bonsai, tui mê từ năm 7- 8 tuổi nên gắn bó đến giờ. Cũng như bà con ở đây, vợ chồng tui chuẩn bị nhiều sản phẩm để bán vào dịp tết như tắc lộc, quýt hồng, cây xanh…Tui đặt một lô ở Châu Đốc rồi và rằm này là sang bên đó”.

Kiểng “mỹ hầu vương”chào xuân Bính Thân hiếm thấy tại các nhà vườn.
Kiểng “mỹ hầu vương”chào xuân Bính Thân hiếm thấy tại các nhà vườn.

Anh Tám Trung (xã Hưng Khánh Trung B) nhanh tay tưới đám tắc kiểng đang chờ “xuất trận” không giấu niềm vui: “Năm nay thời tiết tốt, mưa ít nên cây cho trái đều, đẹp. Tới giờ này thương lái Sài Gòn đã đặt hàng mua hết đám tắc nhỏ và trung bình, chỉ còn tắc lớn, 22 âm lịch tui mới chở đi”.

2 nghệ nhân đang thực hiện tạo hình “cá hóa long” từ kiểng tứ quý (1 triệu đồng/cặp).
2 nghệ nhân đang thực hiện tạo hình “cá hóa long” từ kiểng tứ quý (1 triệu đồng/cặp).

Tất bật ở làng nghề

Gia đình chị Thu Tâm sống bằng nghề ươm cây giống nhưng đến tết là “tập trung toàn lực” để trồng hoa kiểng bán tết.

“Em chỉ trồng vạn thọ thôi. Năm ngoái em trồng chỉ 6.000 chậu, năm nay nhiều hơn, trên 8.000 chậu. Đất này em mướn, 4 công giá 10 triệu đồng. Giá cao nhưng được cái là cặp lộ, chuyển hàng dễ dàng hơn. Mọi năm, em bán ở Long An và Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh), năm nay sẽ bán thêm một điểm nữa ở Thủ Đức”- chị Thu tâm nói.

Hình ảnh dễ thương thường thấy ở làng hoa kiểng vào buổi trưa nắng.
Hình ảnh dễ thương thường thấy ở làng hoa kiểng vào buổi trưa nắng.

Đi dọc con đường dẫn vào làng kiểng Cái Mơn, dù trời đã trưa nhưng mọi người vẫn rất tỉ mẫn với công việc của mình.

Anh Trần Văn Được (xã Hưng Khánh Trung) vẫn không ngơi tay: “Sáng giờ tôi và ông bạn đã tạo dáng được một cặp rồng rồi đó. Từ giờ đến chiều là một cặp nữa. Chúng tôi làm vần công cho nhau, xong nhà này là qua nhà khác, chủ yếu là lấy công làm lời. Rằm này chúng tôi xuất hàng rồi. Người thì đi Trà Vinh, người lên thành phố. Cực nhưng vui, tết mà…”

Gia đình cô Nguyễn Thị Tư (xã Hưng khánh Trung B) cũng có mấy mươi năm gắn bó cùng hoa với kiểng. “Nhà báo không được quay phim, chụp hình” nhưng “nói chuyện” thì cô rất sẵn lòng.

Cô cho biết năm nay, ngoài đầu tư 500 gốc bonsai, cô cũng trồng thêm 500 chậu ớt, 600 chậu vạn thọ, màu gà. Số lượng đều tăng hơn năm rồi do thời tiết thuận. “Vợ chồng và hai đứa con, tất cả 4 người. Mỗi người chia nhau, người ở Châu Đốc, người ở chợ này và người thì bán ở nhà. Chục ngày chợ, ăn cơm bụi, ngủ vỉa hè sao mà sướng nhưng cũng phải làm. Một năm chỉ được mỗi mùa tết”.

Kiểng mai đang được chăm sóc kỹ lưỡng.
Kiểng mai đang được chăm sóc kỹ lưỡng.

Vườn kiểng Hoàng Duy (QL 57, xã Hưng Khánh Trung) tấp nập người ra vào.  Diện tích của cơ sở khá lớn, khoảng 10 ha, sản phẩm đa dạng và phần lớn là loại kiểng lá.  Chủ cơ sở- chị Nguyệt Thu- người có trên 20 năm kinh nghiệm với nghề- cho biết:

“Hoa kiểng của cơ sở có thị trường từ miền Nam ra miền Bắc, miền Trung và cả thị trường ở nước ngoài. Tết này, ngoài tập trung cho phát tài búp sen, cơ sở còn có trạng nguyên, trạng nguyên lộc, dứa phụng hoàng, phước lộc, vạn phúc… Và hăm mấy tết là có xuất một chuyến sang Nhật”.

Tất bật mùa hoa kiểng tết tại vườn kiểng Hoàng Duy.
Tất bật mùa hoa kiểng tết tại vườn kiểng Hoàng Duy.

Về Cái Mơn chúng tôi không chỉ dược “ngắm cảnh, xem hoa” mà còn biết thêm không khí của làng nghề mỗi dịp xuân về tết đến. Với sự tỉ mẫn và khéo léo của mình, bà con vùng đất Cái Mơn đang góp phần điểm tô cho mùa xuân thêm tươi thắm.

Bài, ảnh: NHÓM PV