Làng nghề ngày cận tết

Cập nhật, 08:33, Thứ Ba, 19/01/2016 (GMT+7)
Ruộng lác ngày mùa. Ảnh: LÊ HIẾU
Ruộng lác ngày mùa. Ảnh: LÊ HIẾU

Vào những ngày này, tôi có dịp trở lại xã cù lao Thanh Bình- 1 trong 4 làng nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện Vũng Liêm khi mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân ở đây vừa có thêm ngày vui- đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phải, khá lâu rồi tôi mới trở lại vùng quê sông nước ấy, nên rất dễ nhận ra những sự thay đổi đi lên ở nơi đây.

Đó là những chiếc cầu khỉ lắc lơ, những con đường đất ngày nào đã được thay bằng những cây cầu bê tông vững chắc, những con đường nhựa, đường đan, trạm y tế, trường học ở cù lao này hôm nay đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Nước máy, điện thắp sáng hầu như đã có ở mọi gia đình.

Còn nữa, trong những thay đổi đó, điều tôi cũng dễ cảm nhận được nữa là cái chợ Thanh Bình lụp xụp ngày nào nay đã là 1 cái chợ có phố cao, có nhà lồng rộng rãi rất thuận tiện cho việc tiêu thụ nông sản và trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Cái chợ Thanh Bình bây giờ nó không chỉ trông rất đẹp mắt mà còn góp phần tô thêm sự sung túc của quê hương.

Với tôi nói riêng và Vũng Liêm nói chung, xã nông thôn mới Thanh Bình trước đây cũng là làng nghề dệt chiếu và cũng là xứ sở của cây lác.

Chiếu Thanh Bình ngày xưa nổi tiếng và có mặt tại nhiều vùng ở ĐBSCL. Cũng vì vậy nên lần về quê hôm nay, tôi không quên tìm hiểu về cái nghề truyền thống ấy.

Trao đổi với tôi, ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng thu nhập cho gia đình nên có rất nhiều nông dân chuyển diện tích từ đất ruộng trồng lác sang lập vườn trồng cây ăn trái.

Vì thế mà đến nay diện tích lác ở địa phương chỉ còn 26ha, giảm hơn 100ha so với năm 2010. Song nhờ sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhất là có được tay nghề truyền thống nên dù diện tích lác có giảm nhưng làng nghề ở đây vẫn được bảo tồn, đã tiếp tục giải quyết việc làm đáng kể cho lao động ở địa phương.

Bằng chứng là Thanh Bình hiện có 1 hợp tác xã (HTX) dệt chiếu xuất khẩu và 358 hộ với khoảng 800 lao động hành nghề xe lõi lác và đan khung lác phục vụ cho xuất khẩu".

Trong âm thanh dồn dập của những chiếc máy dệt đang hoạt động, ông Nguyễn Hữu Phận- Chủ nhiệm HTX Phong Hoa sản xuất chiếu xuất khẩu cho biết:

"Dệt chiếu là nghề truyền thống ở xã này, nhưng trước đây bà con dệt thủ công nên tốn rất nhiều lao động mà năng suất cũng không cao nên lợi nhuận có phần hạn chế. Thấy vậy, năm 2012, vợ chồng tôi quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 2 máy dệt chiếu và mua nguyên liệu.

Sau đó, thấy được hiệu quả kinh tế từ máy dệt và qua vận động, giúp đỡ của địa phương, năm 2014 gia đình tôi quyết định tham gia HTX này. Hiện HTX có 6 máy dệt, 12 lao động trực tiếp và 40 lao động gián tiếp thông qua cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi máy sản xuất trung bình 10 chiếc chiếu trên ngày".

Về phần lợi nhuận, ông Nguyễn Hữu Phận cho biết thêm: “So với năm ngoái thì năm nay giá lác nguyên liệu cao hơn 3.000- 4.000 đ/kg. Trong lúc giá chiếu bán ra năm nay hiện tương đương năm rồi. Giá chiếu loại nhất (khổ 1,5- 1,6m) 72.000 đ/chiếc; còn các loại 2, 3, 4 giảm lần lượt 10.000 đ/chiếc tùy loại. Tính ra sản xuất năm nay vẫn có lãi nhưng chắc không nhiều”.

Chị Lê Thị Nhịn (ấp Thanh Khuê) là 1 trong những lao động có mặt đầu tiên khi HTX Phong Hoa ra đời. Chị Nhịn có vóc người nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn, hết chọn chiếu giao cho những thương lái thì quay lại kiểm tra phần chất lượng sản phẩm vừa mới làm ra.

Nói về thu nhập của mình, chị Nhịn cho biết: "Ở đây làm ăn theo sản phẩm, mỗi lao động trung bình hơn 2 triệu đồng/tháng, không cao như ở các khu công nghiệp nhưng ở nông thôn, gần gia đình nên thu nhập trên cũng là khá tốt. Mấy cái tết vừa qua nhờ có được thu nhập nên gia đình năm nào cũng thấy vui vẻ, ấm áp".

Chị Nguyễn Thị Hai- vừa làm nghề xe lõi lác, vừa lo dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Khi được hỏi về chuyện đón tết của gia đình, chị cho biết: "3.000m2 đất của gia đình tôi trước đây trồng lác.

Gần đây, thấy cây ăn trái hiệu quả kinh tế hơn nên vợ chồng tôi chuyển hết diện tích trên sang trồng cây ăn trái đặc sản. Nhưng, dù vậy tôi vẫn không bỏ cái nghề xe lõi lác mà cha mẹ để lại. Với cái nghề này, tôi cũng có thêm bạc triệu mỗi tháng mà còn lo được việc nhà nữa. Tết này nhà có sẵn gà vịt, xe lác có bạc triệu nữa thì ăn tết ngon lành thôi".

Tiếp chuyện với Bí Thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Nhanh, tôi được biết thêm nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng và phát triển được làng nghề tiểu thủ công nghiệp mà đến nay Thanh Bình đã nâng thu nhập bình quân lên 31.740.000 đ/người/năm và đây là một trong những địa phương có thu nhập cao nhất ở Vũng Liêm và cao hơn thu nhập bình quân của huyện này hơn 4 triệu đồng. Qua đó đã kéo giảm hộ nghèo xuống còn 76 hộ, chiếm 2,58% tổng số hộ toàn xã.

Tôi rời Thanh Bình trên chuyến phà chiều nắng ấm, sông Tiền lộng gió vào Xuân. Nhìn cù lao xanh biếc màu no ấm, tôi cảm thấy lâng lâng khi tạm biệt vùng quê này.

Trọng Dân