Hàng giả: tác hại thật, thiệt hại nặng

Cập nhật, 05:23, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

.

 Lớp hướng dẫn kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả thu hút gần 90 tiểu thương tham dự

Lớp hướng dẫn kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả thu hút gần 90 tiểu thương tham dự

Không chỉ xuất hiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng giả còn len lỏi có mặt ở cả trung tâm thương mại, hệ thống kênh phân phối hiện đại. “Giả y như thật”- khiến nhiều người khó phân biệt đâu là thật đâu là giả. Và những tác hại của hàng giả gây ra đang ngày càng nghiêm trọng và nặng nề.

Biết đâu thật- giả

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay không chỉ có mặt ở các cửa hàng tạp hóa nhỏ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà nó còn len lỏi vào cả các khu trung tâm thương mại, siêu thị ở các thành phố lớn…

Đây đang là vấn đề gây bức xúc đối với các cơ quan Nhà nước, nghiêm trọng hơn là hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại.

Dĩ nhiên người tiêu dùng (NTD) luôn là người chịu thiệt thòi nhất vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Không chỉ làm giảm niềm tin của NTD mà tài chính, uy tín của các doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất (SX), kinh doanh chân chính cũng bị thiệt hại nặng.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại và xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, thậm chí còn lấn át cả hàng thật?

Ghi nhận của phóng viên (đã tham gia lớp tập huấn phân biệt hàng thật- giả) tại một số chợ nông thôn lẫn đô thị, không ít mặt hàng giả, hàng nhái xuất hiện một cách công khai, chễm chệ nằm ở “mặt tiền” trưng bày hàng hóa, từ các hàng điện máy, vật tư nông nghiệp, thuốc tân dược đến dầu gội, bột giặt, mỹ phẩm, băng vệ sinh,...

Trong vai người mua một loại dầu gội ở chợ Vĩnh Long, hỏi dò tiểu thương về dấu hiệu phân biệt hàng thật- giả, thì tiểu thương này tỏ vẻ khó chịu, cau mày “giả đâu mà giả, ở đây bán hàng thật, không mua thì đi chỗ khác”.

Trong khi đó, loại dầu gội tiểu thương này bán lại có nhiều dấu hiệu của hàng giả. Một tiểu thương khác thì thật thà hơn: “Không biết đâu mà phân biệt, làm giả bây giờ tinh vi lắm, phải có dấu hiệu rõ ràng thì mới nhận biết được chứ người bán đôi khi còn lầm huống chi là người mua”.

Từng mua phải bột giặt giả, chị Lê Thị Nhàn (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho hay: “Tôi mua ở tiệm tạp hóa nhỏ, nhìn bên ngoài thì y như thật nhưng khi xài thì bọt rất ít, giặt đồ xong tay rất rít, lại không sạch quần áo nữa.

Thấy khác những lần mua trước, tôi lên mạng xem thì “dính” đủ dấu hiệu giả. Tôi bỏ gói bột giặt rồi cũng “từ” tiệm tạp hóa đó luôn”.

Trong hội nghị phân biệt thật- giả do Chi cục Quản lý thị trường vừa tổ chức cho gần 90 tiểu thương, cơ sở, DN SX kinh doanh, nhiều người đã “ồ, à, thì ra...” khi được các đại diện các nhãn hàng, công ty SX chỉ dấu hiệu phân biệt thật- giả.

Không chỉ nhận biết suông, nhiều người còn được nhìn tận mắt và được các chuyên viên “test” dấu hiệu phân biệt tại chỗ.

Chủ một tiệm tạp hóa chợ Vĩnh Long cho hay: “Trước đây nghe nói nhiều mà không biết phân biệt dấu hiệu nào là đúng, là sai, một số dấu hiện còn lờ mờ, không rõ ràng.

Nhờ buổi tập huấn này mà tôi có thêm kiến thức khi nhập hàng, vừa bảo vệ uy tín cho chính mình mà còn bảo vệ uy tín cho DN SX, lại bảo vệ NTD”.

Làm gì để đối phó?

Thế nhưng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái- vẫn còn không ít người đứng ngoài lề, thờ ơ.

Và một trong những nguyên nhân khiến hàng giả ngày càng lộng hành đó chính là công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả quá ít, có khi không có.

Chưa kể, có những loại hàng hóa mắt thường không thể nhận ra đâu là hàng thật, đâu là hàng giả mà phải dùng máy móc xét nghiệm, kiểm tra.

Thêm vào đó, các cơ sở, SX đã tìm ra mọi cách thay thế vật liệu dỏm, rẻ tiền để sản xuất hàng hóa với chi phí thấp mà vẫn bán được giá cao, thu lợi nhuận nhiều.

Không chỉ vậy, theo ông Phan Văn Nhãnh- Trưởng Phòng Thanh tra- pháp chế thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nguyên nhân nữa là một số NTD có tâm lý dễ chấp nhận với hàng giả theo quan niệm “tiền nào của ấy”, thấy rẻ thì mua, hư thì bỏ;

các văn bản hướng dẫn xử lý đối với đối tượng SX và kinh doanh hàng giả còn thiếu, chậm, chồng chéo, chế tài không đủ sức răn đe.

Đáng nói là, DN SX chân chính- những bị hại, vẫn còn chưa mặn mà, chưa thật sự vào cuộc chống hàng giả.

Nhiều DN khi bị xâm phạm về nhãn hiệu nhưng có tâm lý e ngại sợ lộ bí mật sản phẩm, kẻ xấu có thể lợi dụng để SX hàng giả ở mức độ tinh vi hơn, lo doanh số sẽ sụt giảm vì NTD có thể ít chọn mua sản phẩm mang các thương hiệu đã có sự xuất hiện của hàng giả. Hàng giả cứ “nhờ” vậy mà lấn tới.

Vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì nhằm hạn chế nạn hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng? Theo ông Phan Văn Nhãnh, trước hết, đó chính là tăng cường tuyên truyền để có sự chung tay của toàn xã hội.

Đồng thời, cần hoàn thiện pháp lý, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật nghiêm minh trong việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp SX cam kết dứt khoát không làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì các DN chân chính cần chủ động, tích cực, tăng cường quảng bá sản phẩm, hướng dẫn, chỉ rõ cho NTD các thủ đoạn làm hàng giả và cách phân biệt giữa hàng thật và hàng giả.

NTD cũng cần nâng cao hiểu biết của NTD, tích cực hợp tác với nhà SX và các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống hàng giả. Có như vậy, hàng giả, hàng nhái mới được đẩy lùi, niềm tin về hàng Việt Nam mới được nâng cao.

Đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho biết: Dấu hiệu cảm quan dễ phân biệt nhất là bên cạnh gói sản phẩm dầu gội có ghi ngày SX hoặc hạn sử dụng. 

Hàng thật thì ngày SX hoặc hạn sử dụng sẽ là 8 chữ số, trong đó, 6 chữ số đầu là ngày, tháng, năm, còn 2 chữ số sau là lô SX.

Hàng giả thì ngày SX hoặc hạn sử dụng là 6 chữ số là ngày, tháng, năm, không có lô SX. Bột giặt Omo thật có “dấu chìm” quanh bao bì với dòng chữ: “Unilever Việt Nam – Bảo đảm hàng thật”. Omo giả không có “dấu chìm”. 

Omo thật được in sắc nét, khác hẳn với sản phẩm nhái Omo giả. Hạt nêm Knorr thật có đường răng cưa xù xì, vết hàn 2 mép túi tạo vết gờ giống nhau, bên hông gói không có đường gấp, đường dán lệch hở lớp tráng bạc. 

Knorr giả đường răng cưa sắc nhọn đều, vết hàn 2 mép túi không giống nhau, bên hông gói có đường nếp gấp, đường dán đều nhau.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

TIN LIÊN QUAN