Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái: Bao giờ kết thúc?

Cập nhật, 09:54, Thứ Sáu, 30/03/2018 (GMT+7)

Người tiêu dùng (NTD) khó nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, trong khi doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng thật lại khá thờ ơ, thậm chí “ém” thông tin sản phẩm có hàng giả, thêm vào đó, sự quản lý chưa chặt chẽ của các ngành chức năng chính là những nguyên nhân khiến cho hàng giả, hàng nhái ngày càng “lộng hành”.

Doanh nghiệp nên chủ động vào cuộc chống hàng giả. Trong ảnh: Doanh nghiệp đang hướng dẫn cách phân biệt hàng thật- giả cho cán bộ quản lý thị trường.
Doanh nghiệp nên chủ động vào cuộc chống hàng giả. Trong ảnh: Doanh nghiệp đang hướng dẫn cách phân biệt hàng thật- giả cho cán bộ quản lý thị trường.

Biết đâu thật- giả?

Theo các ngành chức năng, hiện nay tình trạng vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ đang có hướng gia tăng, tập trung nhiều vào nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Những đối tượng này chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Sau đó, tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Và để tiêu thụ dễ dàng hơn, các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật, hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NTD.

Ông Đỗ Hữu Quang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương)- cho biết: Thời gian qua, không ít trường hợp sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… ngành chức năng đã phát hiện và xử phạt mạnh tay. Song, vì hám lời nhiều cơ sở vẫn “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái.

Đầu năm 2018, chi cục đã tiêu hủy hàng trăm sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng như bột ngọt Ajinomoto giả, dép giả nhãn hiệu Biti’s, dầu gội giả,…

Trước vấn nạn này, nhiều NTD cho rằng, các mặt hàng giả ngày càng tinh vi, “giống y như thật”, chỉ có những người trong nghề mới nhận biết được còn NTD thì đành “bó tay”. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái có tuồn vào thị trường, có tiêu thụ được hay không một phần cũng do bàn tay của tiểu thương bởi “người mua có thể lầm chứ người bán không bao giờ lầm”.

Ghi nhận hiện nay, tại hầu hết các chợ, tiểu thương thường xuyên được tuyên truyền và phải ký cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, song thực tế tại một số chợ vi phạm vẫn còn xảy ra. Không ít tiểu thương vì hám lời mà bất chấp, cố tình tiếp tay cho các đối tượng mua bán hàng giả, hàng nhái.

Trong khi đó, đáng nói là các DN sản xuất hàng thật- bên được xem là “bị hại” thì lại “lặng tiếng im hơi”. Bởi, DN cho rằng khi NTD biết sản phẩm của DN bị làm nhái NTD sẽ “tẩy chay” và chuyển sang dòng sản phẩm khác, gây thiệt hại về doanh thu lẫn thị trường tiêu thụ.

Đại diện một công ty có sản phẩm bị làm giả tiết lộ: “Biết trên thị trường có nhiều sản phẩm giả nhưng nếu công bố tình trạng hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm, khiến NTD không muốn mua hàng của mình nữa.

Còn nếu thông tin rộng rãi về đặc điểm phân biệt hàng thật- giả, đối tượng gian lận sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục “cải tiến” hàng giả. Khi đó, phân biệt sẽ còn … mệt hơn!” Do đó, khi phát hiện hàng giả thì DN cũng âm thầm xử lý mà không dám làm mạnh, thậm chí có DN còn chấp nhận “sống chung” với hàng giả.

Không chỉ vậy, nắm bắt được tâm lý “sính ngoại” nhưng lại muốn giá rẻ của NTD nên một số người còn mua bán hàng giả các mặt hàng thương hiệu nổi tiếng. Nhiều sản phẩm ngoại nhưng “made in giả mạo” vẫn tồn tại nhan nhản trên thị trường.

Nhiều vụ vi phạm về hàng giả bị phát hiện.
Nhiều vụ vi phạm về hàng giả bị phát hiện.

DN- đừng ngoài cuộc

Theo nhiều DN, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng “lộng hành” là do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp vi phạm chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.

Dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra song việc xử lý các DN làm hàng giả, nhái vẫn như “phần nổi của tảng băng chìm”. Do đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của DN lẫn NTD.

Đặc biệt là phía “bị hại”- DN, không nên né tránh, thờ ơ với hàng giả. Việc phân biệt hàng thật- hàng giả, rõ ràng không cơ quan nào, NTD nào nhận biết tốt nhất và chính xác bằng chính DN sản xuất.

Do đó, DN cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ như sử dụng công nghệ chống giả, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hàng xâm phạm. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền giúp NTD trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”.

Với NTD, cần nói không với hàng giả, hàng nhái và thông báo cho DN, cơ quan chức năng khi phát hiện. NTD cũng cần nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân, nhất là tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.

Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh- cho biết: Khi mua sản phẩm, NTD cần giữ hóa đơn, chứng từ để khi xảy ra vấn đề có chứng cứ khiếu nại. Ngoài ra, không nên ham giá rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc. Khi mua nên xem xét kỹ bao bì để tránh mua phải hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN