Đổi tiền mới

Cập nhật, 15:06, Thứ Năm, 01/02/2024 (GMT+7)

 

Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới của người dân lại càng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu này, trên các trang mạng xã hội những ngày này “rầm rộ” “dịch vụ” đổi tiền mới với đủ mệnh giá theo yêu cầu (ảnh).

Chỉ cần gõ cụm từ “đổi tiền mới” trên Facebook, Zalo, TikTok, Google,… sẽ có hàng loạt kết quả trả về.

Trong vai người có nhu cầu đổi tiền mới, tôi liên hệ với một trang cá nhân trên Facebook được trả lời là khách ở ĐBSCL sẽ được giao tiền tận nhà, phí ship 50.000đ, phí đổi tiền 10% với lời hứa “nhận tiền, kiểm tra rồi mới thanh toán”. Giải thích lý do mức phí cao người cho đổi tiền phân bua: “Năm nay lượng tiền mới rất ít, khó đổi được số lượng lớn khách yêu ơi!”

Trong những ngày Tết hẳn ai cũng muốn có được những tờ tiền mới để lì xì, mừng tuổi. Nhưng theo tôi, nếu không đổi được tiền mới thì ý nghĩa, nét đẹp trong văn hóa lì xì, mừng tuổi cũng không vì vậy mà mất đi.

Do đó, chúng ta không nên chấp nhận tốn phí, thậm chí là mạo hiểm để đổi tiền mới qua mạng. Vì thực tế đã có rất nhiều trường hợp đổi tiền mới trên mạng nhưng khi nhận được là tiền mới lẫn tiền cũ, rách nát, thậm chí không kiểm tra kỹ còn có lẫn tiền giả, nhiều nơi thì lại yêu cầu chuyển khoản trước mới giao tiền sau nhưng khi đã chuyển khoản thì chẳng nhận được tiền…

Vì vậy, tốt hơn hết là không nên đổi tiền mới qua mạng để tránh được rủi ro cao mà còn tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Được biết, theo quy định, ngoài Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Và hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, có thể bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Bài, ảnh: NHƯ Ý