Cho ở nhờ nhà, nên lập thành văn bản

Cập nhật, 17:10, Thứ Sáu, 30/05/2014 (GMT+7)

Tôi có căn nhà hiện chưa ở, vì còn phải đi làm ăn xa. Do đó, tôi có dự định cho người em họ ở nhờ một thời gian. Trường hợp này, tôi có phải làm giấy tờ không?

N.T.B. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Khoản 1 Điều 71/2010/NĐ-CP quy định: Việc mua bán, cho thuê, tặng cho, đổi, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải lập thành văn bản (gọi chung là hợp đồng về nhà ở). Hợp đồng về nhà ở phải phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật Nhà ở, quy định của Bộ luật Dân sự và nghị định này. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà ở thì phải có văn bản tặng cho.

Khoản 2 Điều 93 Luật Nhà ở quy định: Hợp đồng về nhà ở, văn bản tặng cho nhà ở phải thể hiện các nội dung sau đây:

a) Tên và địa chỉ của các bên;

b) Mô tả đặc điểm của nhà ở;

c) Giá và phương thức thanh toán nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giá;

d) Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành (nếu có); thời hạn cho thuê; cho mượn, cho ở nhờ; ủy quyền quản lý;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Cam kết của các bên;

g) Các thỏa thuận khác;

h) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng hoặc ký văn bản;

i) Chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).

Theo khoản 6 điều luật trên, trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở từ 6 tháng trở lên thì bên cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải nộp cho UBND cấp xã nơi có nhà ở bản sao hợp đồng về quy định tại khoản này.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ