Bạo lực gia đình- nỗi đau không của riêng ai

Cập nhật, 05:28, Thứ Năm, 24/11/2016 (GMT+7)

Bạo lực gia đình không chỉ gây tan vỡ hạnh phúc gia đình mà còn là nỗi đau âm ỉ lâu dài đối với những người trong cuộc. Những gia đình cam chịu trước bạo lực thì hạnh phúc mong manh.

Còn những đứa con trong gia đình có bạo lực sẽ lớn khôn như thế nào? Nỗi lo ấy không chỉ giới hạn ở gia đình mà còn là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng cần được bảo vệ, thương yêu, chăm sóc. Ảnh mang tính minh hoạ: VINH HIỂN
Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng cần được bảo vệ, thương yêu, chăm sóc. Ảnh mang tính minh hoạ: VINH HIỂN

Âm ỉ những nỗi đau

Trong những chuyến công tác, vô tình chúng tôi bắt gặp những gia đình tan vỡ vì bạo lực. Ngồi cạnh bé N. (Vũng Liêm) trong một chương trình “Tiếp sức đến trường”, tôi càng thương bé hơn bởi hoàn cảnh “cha mẹ ly hôn, mẹ đi làm công nhân, con sống với bà ngoại”- N. hồn nhiên nói lớn.

Hình ảnh người cha trong mắt N. là “Cha con biết đi nhậu không hà, không mần ăn gì hết. Mỗi lần đi nhậu về là đánh mẹ và đánh 2 anh em con”.

Khi tôi hỏi N. có nhớ cha không, N. nói liền: “Không. Con chỉ lo cho anh Hai ở với cha chắc bị ổng đánh te tua luôn”. Câu nói ngây thơ của N. làm nhói lòng tôi.

Bà ngoại N. đã ngoài 60, cuộc sống chỉ nhờ vào số tiền lương công nhân do mẹ N. gửi về hàng tháng. Mới học lớp 4, N. đã tự đạp xe hơn 3 cây số mỗi ngày đến trường.

Trong một lần đi công tác ở một trường mầm non huyện Long Hồ, tôi gặp cô K. rước cháu ngoại. Cô K. cũng nuôi cháu ngoại cho con gái đi làm ở TP Hồ Chí Minh.

Cô cho biết: “Đúng ra huyện mình có khu công nghiệp thì con gái tôi đi làm gần cũng được nhưng thằng chồng cũ cứ theo hăm dọa miết, nó sợ phải bỏ xứ đi”. Vợ chồng con gái cô K. “cơm không lành canh không ngọt” từ khi con rể mê chơi số đề.

Cô K. nói: “Ban đầu nó chơi ít, sau nó chơi đề nhiều nên thua nhiều. Hễ vợ nó cằn nhằn thì nó đánh, hết đánh vợ đến đánh con”.

Thấy con gái bị bạo hành, cô K. đưa con về nhà mình và con gái cô ly thân với chồng, cho anh khoảng thời gian để “tu tâm, dưỡng tánh”. Không ngờ, anh còn nhiều lần sang nhà vợ chửi rủa, đánh đập vợ.

Cuộc ly hôn đầy nước mắt của chị đã diễn ra vì không chịu nổi anh chồng vũ phu nhưng thương con gái mới 2 tuổi đầu đã vắng tình cha. Nhìn cháu gái 4 tuổi đang tung tăng trên sân trường, cô K. buồn buồn: “Ly dị rồi mà nó vẫn hăm he, hễ con này lấy chồng khác là biết tay nó”.

Kéo giảm bạo lực gia đình

Trẻ em gái sống trong gia đình hạnh phúc sẽ phát triển toàn diện hơn. Ảnh mang tính minh họa: CAO HUYỀN
Trẻ em gái sống trong gia đình hạnh phúc sẽ phát triển toàn diện hơn. Ảnh mang tính minh họa: CAO HUYỀN

Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2008, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức những biện pháp phòng chống bạo lực hiệu quả hơn.

Năm 2017, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đề nghị các sở văn hóa- thể thao và du lịch tập trung truyền thông với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Ở tỉnh Vĩnh Long, thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, can thiệp, giáo dục, vận động của các CLB gia đình phát triển bền vững, các nhóm phòng chống bạo lực của “Mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình”, số vụ bạo lực gia đình giảm.

Nếu như năm 2013 là 1.207 trường hợp thì năm 2014 là 297 trường hợp,… Tính trong 6 tháng đầu năm 2016 là 76 trường hợp. Đặc biệt, các địa phương sau khi triển khai mô hình phòng chống bạo lực gia đình thì số vụ giảm đáng kể, điển hình là xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long), phường Cái Vồn (TX Bình Minh).

Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, sở còn nêu ra những giải pháp cụ thể: Nâng cao trách nhiệm của BCĐ công tác gia đình, củng cố thành viên đủ năng lực để thực hiện mô hình hiệu quả; tăng cường phối hợp với các ban ngành đoàn thể hữu quan; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức về bạo lực gia đình.

Gia đình hạnh phúc trước hết là gia đình không có bạo lực. Bạo lực gia đình có nhiều dạng khác nhau: bạo lực thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục.

Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ các thành viên yêu thương và tôn trọng lẫn nhau là xây dựng nền tảng đạo đức xã hội vững bền.

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 2.300 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, có 1.852 nạn nhân nữ, 206 người già và 166 trẻ em; có 1.040 trường hợp bạo lực về thân thể, 903 trường hợp bạo lực tinh thần, 241 trường hợp bạo lực về kinh tế và 54 trường hợp bạo lực tình dục. Người gây bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

CAO HUYỀN