Vai trò gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ

Cập nhật, 04:35, Thứ Năm, 24/11/2016 (GMT+7)

Giáo dục thế hệ trẻ có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp GD-ĐT của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bởi lẽ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ là nội lực cho tương lai.

Quốc gia, dân tộc phát triển như thế nào, văn minh hiện đại ra sao do sự giáo dục, đầu tư cho thế hệ trẻ hôm nay của chúng ta. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta cùng gợi mở, suy nghĩ về vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ, trong sự nghiệp giáo dục.

Giáo dục trẻ sống vì gia đình và cộng đồng, biết cân bằng cuộc sống cũng là cách biết vun đắp mái ấm gia đình sau này. Ảnh: BÁCH THẢO (TP Vĩnh Long)
Giáo dục trẻ sống vì gia đình và cộng đồng, biết cân bằng cuộc sống cũng là cách biết vun đắp mái ấm gia đình sau này. Ảnh: BÁCH THẢO (TP Vĩnh Long)

Nói tới giáo dục, chắc ai cũng rõ “Sự nghiệp giáo dục là của toàn dân”, con người sinh ra luôn gắn với một gia đình. Gia đình là nơi đầu tiên tác động giáo dục đầu đời đối với thế hệ trẻ, cho nên gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ, rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục- sự nghiệp của toàn dân.

“Nuôi” và “dạy”- chỉ vỏn vẹn 2 động từ và chắc hẳn 2 động từ này không xa lạ với mọi người, nhất là những thành viên nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau trong một gia đình.

Trước hết, cặp đôi đến tuổi trưởng thành, có việc làm ổn định, tiến tới kết hôn sẽ từng bước tìm hiểu và cảm nhận một cách đầy đủ ý nghĩa, giải pháp... để thực hiện 2 từ “nuôi” và “dạy” nhằm chuẩn bị cho hành trình vun đắp hạnh phúc cho một gia đình với mục tiêu cao quý “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.

Đó là một phần quan trọng không nhỏ trong một gia đình nhỏ! Rõ ràng là không nhỏ bởi khi nuôi và dạy được diễn ra song song trong mọi gia đình từ lúc con người mới chào đời cho đến tuổi trưởng thành.

Nuôi và dạy của gia đình đối với con người từ lúc tuổi thơ đến trưởng thành là một quá trình giáo dục con người và giai đoạn đầu của quá trình này rất quan trọng.

Hay nói cách khác giáo dục của gia đình đối với trẻ thơ ở mọi gia đình là giai đoạn giáo dục quan trọng nhất trong quá trình giáo dục con người. Thể lực, nhân cách được hình thành, kết tinh từ gia đình chiếm phần lớn đời người trong quá trình giáo dục.

Nuôi và dạy đối với một con người là một quá trình lâu dài và thường xuyên liên tục, từ thấp đến cao, từ thụ động đến chủ động và gia đình, các thành viên trong gia đình tác động rất lớn, rất bền vững đến việc hình thành thể chất, nhân cách, trí tuệ, lối sống, kỹ năng sống… của con người.

Từ xưa đến nay, thời nào cũng vậy, ai cũng mong muốn nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Đó được xem là một trong những mục tiêu phấn đấu, là một trong những tiêu chí của một gia đình thành đạt, hạnh phúc!

Nuôi con trong điều kiện hiện nay

Việc được tiếp cận những kiến thức nuôi con theo khoa học; theo những kinh nghiệm quý báu của tiền nhân; theo những điều kiện phát triển của đất nước; nhiều công trình, chính sách phúc lợi phục vụ con người được quan tâm đầu tư… là những thuận lợi cơ bản tác động không nhỏ, góp phần quan trọng cho việc nuôi con đạt kết quả về thể chất. Tuy vậy, việc nuôi con hiện nay còn những mặt đáng quan tâm như:

Ăn đủ, ngủ đúng: Yếu tố vật chất này là “gốc” của sức khỏe. Có thể chất tốt là nền tảng để phát triển toàn diện của một con người.

Ăn no, ngủ ấm hiển nhiên là chưa đủ; ăn sang, ngủ sướng chưa chắc là đúng, là khoa học. Điều quan trọng và cần ở thời đại hiện nay là ăn đủ chất, ngủ đúng cách theo khoa học.

Đạm, vitamin, khoáng chất và nước là những thứ cần cung cấp hàng ngày với hàm lượng phù hợp cho từng lứa tuổi (theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, ngành y tế đã phổ biến đến tận từng gia đình).

Là vấn đề cốt lõi của thể chất, của sức khỏe, là nền tảng của trí tuệ về sau, song vấn đề này chưa được các gia đình Việt Nam chúng ta quan tâm đúng mức. Sẽ sai lầm nếu cho rằng hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì khó đảm bảo dinh dưỡng thiết yếu hàng ngày.

Chúng ta có thể đã biết đạm, vitamin và khoáng chất trong thịt, cá, trứng, rau củ quả các loại ở 5 màu xanh, đỏ, vàng, trắng, tím… 

Song do sự thiếu quan tâm, không tuân thủ trong việc cơ cấu cho bữa ăn nên thể trạng của người Việt Nam chúng ta phát triển chậm, thậm chí tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá cao và không loại trừ trẻ em ở những gia đình khá giả, giàu có.

Ăn không tuân thủ theo khoa học thì dù giàu hay nghèo cũng có thể béo phì hoặc suy dinh dưỡng mà gia đình và xã hội phải gánh lấy hậu quả không mong muốn!

Chơi mà học, học mà chơi: Sẽ sai lầm nếu cho rằng hoạt động này nhằm giết thời gian hoặc cho vui, để cầm chân… nếu không quan tâm tới việc cho chơi những gì, cách nào để vừa giải trí vừa phát triển thể lực, trí tuệ của trẻ.

Vì không khéo sẽ dẫn tới phản giáo dục, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, tinh thần đối với đối tượng cần giáo dục.

Thời gian con người còn trẻ có thể nói là ăn ở, sinh hoạt tại gia đình, với người thân và chơi mà học, học mà chơi của tuổi thơ gắn với gia đình không ít. Như vậy hoạt động này không kém phần quan trọng và vai trò của gia đình cũng quan trọng không kém.

Ngày 17/12/1999, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 25/11 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp thế giới tổ chức các hoạt động vào ngày này để nâng cao ý thức mọi người về tình trạng bạo hành với phụ nữ như “mãi dâm cưỡng bách”, “lạm dụng tình dục”, “du lịch tình dục”, “cưỡng hiếp”, “cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ”, “bạo hành trong gia đình”, “hôn nhân cưỡng bách”…

Giải trí lành mạnh: Các hoạt động giải trí không kém phần quan trọng trong giáo dục con người cho nên gia đình luôn phải chọn lọc cho phù hợp.

Giải trí lành mạnh cũng phát huy được truyền thống đồng thời tiếp cận thành tựu của khoa học… giúp cho con người phát triển thể lực, trí não theo xu thế của cuộc sống hiện đại và văn minh.

Việc giải trí chiếm khá lớn thời gian ngoài học tập mà gia đình đóng vai trò chủ đạo.

Chính vì vậy, gia đình có vai trò không kém phần quan trọng trong việc định hướng, thúc đẩy việc phát triển con người thông qua hoạt động giải trí lành mạnh.

Gương làm theo: Tuổi đầu đời của con người, việc tiếp thu, học tập thụ động cũng rất quan trọng.

Tuy là thụ động nhưng nó góp phần trước hết là tạo thói quen tốt, có nề nếp, trật tự kỷ cương; biết thương yêu, giúp đỡ, tương trợ hay tự lực;…

Chính vì vậy, khi mọi thành viên trong gia đình thực sự là tấm gương sáng thì việc làm theo ở tuổi đầu đời của con người cùng với quá trình được giáo dục rèn luyện tiếp theo sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành phong cách, lối sống, kỹ năng khi trưởng thành.

Ông bà, cha mẹ, người thân chung sống trong gia đình vướng vào tệ nạn thì con cháu khó tránh khỏi. Tiếc thay không ít người biết nhưng chủ quan hoặc không chịu khó để làm gương cho nên có những điều đáng tiếc đến với con cháu mình, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho mai sau của gia đình, của đất nước!

Xử lý bệnh tật: “Phòng bệnh hơn trị bệnh” là phương châm tối ưu trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Gia đình cần nắm và thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng dẫn của các chuyên gia, của ngành y tế.

Gia đình sẽ là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất. Có như thế mới góp phần phát triển nguồn nhân lực cho tương lai; giảm chi phí y tế cho gia đình và xã hội.

Dạy- “ Dạy con từ thuở còn thơ”

Tuổi thơ của con người luôn gắn với một gia đình và mọi sự tác động của hành vi giáo dục ở tuổi thơ và sẽ là những tác động có tính bền vững. Điều quan trọng nữa, giáo dục ở giai đoạn này có cả thụ động và chủ động của người được tác động giáo dục.

Sự tiếp nhận tác động của giáo dục ấy của các thành viên trong gia đình- nhất là cha mẹ, ông bà- sẽ góp phần to lớn vào quá trình giáo dục của một con người.

Chắc hẳn những gia đình trực tiếp giáo dục còn là cầu nối với nhà trường, hỗ trợ cùng nhà trường, đồng hành cùng với nhà trường trong giáo dục mà trước hết là giáo dục cụ thể chính con em mình. Gia đình và nhà trường là chủ thể giáo dục không thể tách rời nhau trong quá trình giáo dục.

Qua phân tích trên, cho phép chúng ta khẳng định gia đình có vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục con người.

Giáo dục của gia đình trong giai đoạn đầu đúng hướng đúng phương pháp sẽ quyết định đến kết quả giáo dục con người, giáo dục thế hệ trẻ, chủ nhân của đất nước mai sau được như mong muốn.

Vì vai trò quan trọng của gia đình, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chỉ đạo việc xây dựng gia đình Việt Nam thông qua Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Từ cơ sở này, xây dựng gia đình Việt Nam đậm đà bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết hợp với những tiến bộ và hiện đại của các dân tộc tiên tiến sẽ tạo được chủ thể giáo dục quan trọng, hữu hiệu trong quá trình giáo dục con người; tạo ra được nhân tố tốt cho một xã hội văn minh hiện đại, sánh vai được với cường quốc năm châu.

Trong những năm trở lại đây, thực trạng bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều nơi, với mọi đối tượng và gây hậu quả nghiêm trọng tạo ra nỗi bức xúc trong xã hội, theo báo cáo của một số cơ sở y tế cho thấy một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Tình trạng bạo lực gia đình khá phổ biến giữa vợ và chồng, tuy nhiên tình trạng con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ hoặc cha mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng khá nhiều.

Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ như tiếng chuông cảnh báo về sự lan tỏa các hành vi bạo lực vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.

Vì vậy, giáo dục thế hệ trẻ trân trọng, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc cũng là góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình.

PV

NGUYỄN LƯỢNG (TP Vĩnh Long)