Một ngày làm cô giáo mầm non

Cập nhật, 13:28, Thứ Tư, 23/11/2016 (GMT+7)

Chúng tôi đến Trường Mầm non 8 (Phường 8- TP Vĩnh Long) và xin được 1 ngày “thử làm cô giáo mầm non” để hiểu hơn về công việc “cô giáo như mẹ hiền” này.

Một ngày… đau lưng

Cô giáo mầm non chăm sóc bé từng miếng ăn, giấc ngủ.
Cô giáo mầm non chăm sóc bé từng miếng ăn, giấc ngủ.

Tôi đến trường vào lúc sáng sớm vì các cô cứ sáng 6 giờ 30 là đón trẻ, nên khoảng 6 giờ 20 phải có mặt ở lớp. Hôm nay, tôi là cô giáo nhóm trẻ 1 cùng với cô Nghiêm Thị Hồng Nga, Trần Ngọc Mỹ và bảo mẫu Lê Thùy Dương.

Đến nơi thì chị bảo mẫu đã dọn phòng xong, dọn bàn và một số bé đã được phụ huynh đưa vào trường, đang ăn sáng.

Lớp của tôi có 19 cháu, cô Võ Thị Kim Yến- Hiệu trưởng Trường Mầm non 8 cho biết: “Quy định đối với nhà trẻ là 25 bé/lớp nhưng do các bé khá đông, nên trường tách thành 2 lớp”.

Công việc đầu tiên của cô giáo mầm non là cho bé ăn sáng và tiếp đến là hàng tá chuyện mà chỉ khi nào quen, đã vào nếp và có phân công khoa học mới làm xuể: uống sữa, học hát, ăn sữa chua, ăn cơm trưa, uống sữa, ngủ, ăn rau câu, tắm rửa, ăn xế, ôn lại bài và chờ phụ huynh đến đón bé. Có một đứa con, chăm sóc đã rất vất vả, với 19 đứa con thì sẽ thế nào?

Cứ sau mỗi lần ăn, chị Dương lại lau lau dọn dọn cho thật sạch sẽ. Trong khi đó, cô Nga, cô Mỹ đút bé ăn, dạy bé hát và để ý từng cử chỉ của bé. “Đảm bảo an toàn cho bé là nhiệm vụ của cô”- cô Nga nói.

Kiều Linh hôm nay không vui như ngày thường vì bé bị sốt và ho, khò khè. Tiến cũng đang bệnh và ho, còn Khoa Nguyễn ăn trưa xong không uống sữa vì uống vào dễ nôn,…

Và… tránh không khỏi, đang ăn trưa thì 2 bé nôn và 1 bé ị vào quần. Đó là lý do các cô thường đem theo quần áo khi đi làm, vì chuyện bé nôn ọe, ị lên người cô là khó tránh khỏi.

Kiều Linh không có thuốc uống. Cô Nga nhiều lần áp mặt mình vào trán bé để cảm nhận nhiệt độ rồi gọi điện cho ba mẹ bé Linh. Cha Linh nhờ cô xin thuốc cho bé uống vì không vào trường được.

Uống thuốc xong, Linh ngủ, các bé cũng lần lượt ngủ nhưng chỉ cần vài bé còn thức là các cô cũng phải không được chợp mắt.

Một tiếng ho vang lên, các cô lập tức nhìn xem tiếng ho ấy từ đâu. Cô Mỹ thở phào: “Sợ nhất là bé Tiến ho, hễ ho là lại nôn hết những gì đã ăn uống”.

12 giờ 15 phút, bé đã ngủ các cô mới được ăn cơm. Cô Nga cười giới thiệu: “Đây, hôm nay có món mới nhà bếp cho là… xương gà kho sả”. Còn cô Mỹ nhanh miệng cười giải thích: “Chiều nay, bé ăn thịt gà”.

Nghỉ trưa được khoảng 15 phút thì các bé lần lượt thức và tiếp tục… nhõng nhẽo. Cô luôn nằm cạnh các bé mới thức đã giật mình khóc để ôm và vỗ về cháu. Khi cả lớp thức hết thì bắt đầu ăn rau câu và chuẩn bị đi tắm, rồi lại đi ăn,…

Công việc cứ thế đều đều một ngày và tôi mới chỉ phụ làm “phần cứng” là chăm sóc bé đã thấy đau lưng nhức mỏi. Còn cô Nga, cô Mỹ sau khi về nhà còn phải làm đồ dùng cho bé chơi và học, tập văn nghệ. Cô Dương còn đi học Trung cấp Mầm non nữa!

Cô giáo như mẹ hiền

Dạy cho bé chăm ngoan.
Dạy cho bé chăm ngoan.

Khác với các anh chị lớp chồi, lớp lá, các bé ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) thường đến trường với đôi mắt đỏ hoe, có bé còn khóc hu hu, rên hì hì hoặc giãy nãy mỗi khi mẹ trao bé cho cô. Cũng có nhiều bé rất ngoan, mỉm cười đi vào lớp, biết chào mẹ, chào cô.

Cô giáo chủ nhiệm lớp Hồng Nga, cô Mỹ, cô Dương đã rành rọt từng đặc điểm, sở thích, tính tình từng bé: bé Đăng, bé Nhựt Huy thường ăn chậm và hay khóc nhè nên được ngồi cạnh để cô Nga đút.

Sáng nay, các bé ăn bánh mì chấm sữa, mùi sữa thơm ngọt ngào và những gương mặt phúng phính “búng ra sữa” làm tôi thấy buổi sáng thật nhẹ nhàng.

Nhưng đôi mắt to tròn, trong veo với hàng lông mi cong vút còn bết dính lại vì nước mắt của bé Đăng làm ai cũng phải mủi lòng. Trong khi đó, bé Nhựt Huy vẫn thút thít “mẹ bỏ luôn ồi… hu... hu”.

Cô Nga vừa hôn vừa xoa đầu Huy rồi nói “Huy là hay nhẽo lắm”, cô lại nhìn bé Huy: “Cô giáo mới của lớp mình, Huy phải ngoan nha con. Không thôi cô cười Huy đó, chiều mẹ rước Huy nhe!”

Chưa đầy 10 phút sau thì những đôi mắt đỏ hoe, cái miệng méo xẹo đã nở nụ cười… khoe những chiếc răng sún hoặc mọc chưa đều. Cô Mỹ giới thiệu thêm: Kiều Linh là “hotgirl” chân dài của lớp, Ngọc Duyên là… “siêu quậy”.

Sau khi ăn xong, các bé lần lượt bỏ tô chén vào xô và ngồi ghế chờ. Sau nữa là đi vệ sinh. Các bé trai, bé gái đều biết tự đi rất nề nếp. Cô Nga cho biết: “Để rèn cho bé vào nề nếp như vầy rất khó nhưng khi đã quen rồi thì rất đáng yêu”.

Cô Mỹ lắc chuông, kêu “xúm xa xúm xít xít lại gần cô mà nghe cô nói, cô nói cái mà cô nói…” các bé tập trung quanh, cô nói các bé ngồi vào ghế và bắt đầu đọc thơ, hát cùng cô.

Các bé hát hay không chỉ được cả lớp khen mà còn được cô Mỹ hôn một cái: “Bé Duyên giỏi quá, các con vỗ tay khen bạn đi,…” Điều đặc biệt là các bé đều rất ngoan, biết khoanh tay cảm ơn cô, biết bỏ rác vào thùng, vệ sinh đúng nơi quy định,…

Ra về, những ánh mắt trong veo như níu chân tôi lại lớp học này: bé Ngọc Duyên, bé Gia Nguyên, bé Huy, bé Đăng xúm xít hôn cô, ôm cô giáo mới…

Cảm ơn một ngày được làm cô giáo mầm non để tôi hiểu hơn những vất vả, khó khăn của công việc. Các cô không chỉ thương yêu mà còn là người tô hồng, vẽ những nét thanh lên tờ giấy trắng tuổi thơ. Tôi cho rằng, nhân cách con người được giáo dục từ đây.

Và mỗi khi đi rước cậu con trai 3 tuổi “siêu quậy” của mình, tôi đều cảm ơn cô giáo. Câu nói xuất phát từ đáy lòng mình: cảm ơn cô đã vất vả chăm sóc cháu, đã ngọt ngào để dạy cháu biết yêu thương, đã cứng rắn để dạy cháu biết chăm ngoan, lễ phép,…

Bài, ảnh: CAO HUYỀN