Chung tay hành động để phòng chống bạo lực gia đình

Cập nhật, 06:52, Thứ Ba, 29/12/2015 (GMT+7)

Từ 2009- 2015, Vĩnh Long đã ghi nhận 2.347 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Đây không chỉ là nỗi đau về thân xác, tinh thần của những nạn nhân mà còn là nỗi đau chung của toàn xã hội.

Từ thực tế trên, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh phối hợp các ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, góp phần kéo số vụ BLGĐ của tỉnh giảm xuống đáng kể.

Vấn nạn BLGĐ được kéo giảm, nhiều cá nhân xuất sắc trong phòng chống BLGĐ được UBND tỉnh khen thưởng.
Vấn nạn BLGĐ được kéo giảm, nhiều cá nhân xuất sắc trong phòng chống BLGĐ được UBND tỉnh khen thưởng.

Phối hợp đồng bộ

Trong 2.347 vụ BLGĐ ghi nhận trong 6 năm qua, thì năm 2013 có đến 1.207 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ BLGĐ trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2015, con số này giảm rõ rệt, chỉ còn 151 trường hợp được phát hiện.

Theo BCĐ mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ: Có được thành quả trên phải kể đến nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng là có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống và vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên cùng tham gia phòng chống BLGĐ. Tính bình quân mỗi năm, có từ 4- 12 cuộc phối hợp tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở.

Có thể kể đến chương trình phối hợp giữa Sở VH, TT và DL với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình; chương trình phối hợp của Sở VH, TT và DL với Công đoàn Viên chức tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống BLGĐ giai đoạn 2011- 2015 và phối hợp với Tỉnh Đoàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc giai đoạn 2014- 2015…

Đặc biệt, là phối hợp với Báo Vĩnh Long đăng các mẩu chuyện, phóng sự, hình ảnh BLGĐ, góp phần tuyên truyền tới người dân, nhất là vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, còn tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, liên hoan văn nghệ, liên hoan bữa cơm gia đình, tọa đàm, tập huấn về phòng chống BLGĐ. Công đoàn Viên chức tỉnh xây dựng mô hình “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “vợ chồng chung thủy”; “gia đình hòa thuận”… để công đoàn viên nêu cao việc xây dựng gia đình hạnh phúc không có bạo lực, nhất là những gia đình trẻ- ông Chu Văn Ninh- Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh cho biết.

Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Mai- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Công an tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền gần 10.000 cuộc cho trên 400.000 lượt người về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới.

Đặc biệt, chú trọng triển khai Nghị định 110 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ. Qua đó, cùng với các ngành đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của BLGĐ”.

“Thấm” vào lòng dân

Thực hiện mục tiêu phòng chống BLGĐ không là vấn đề của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhân rộng 44 mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ, 109 BCĐ công tác gia đình cấp xã. Thành lập 180 CLB gia đình phát triển bền vững với 5.400 thành viên; 210 nhóm phòng chống BLGĐ, với 550 thành viên và 44 tổ tư vấn hòa giải.

Định kỳ hàng tháng, hàng quý, các mô hình đều tổ chức sinh hoạt định kỳ với những nội dung phong phú, sát thực tế tại địa phương, để nhân dân hiểu, cùng nhau thực hiện đạt hiệu quả, như: phòng chống BLGĐ gắn với xây dựng gia đình văn hóa, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; trao đổi phương pháp nuôi dạy con, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, hầu hết các xã- phường- thị trấn trong tỉnh còn lồng ghép nội dung phòng chống BLGĐ vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để cụ thể hóa thành tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp- khóm văn hóa, phường- thị trấn văn minh đô thị, xã văn hóa nông thôn mới.

“Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể chính trị ở xã- thị trấn của huyện Vũng Liêm còn tổ chức nhiều loại hình CLB để tập hợp, tuyên truyền, tư vấn, định hướng, hòa giải giúp cho gia đình các hội viên luôn hòa thuận, hạnh phúc tránh để xảy ra BLGĐ, tiêu biểu như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB không sinh con thứ 3, CLB gia đình không vi phạm pháp luật”- ông Hà Văn Nhanh- Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin cho biết thêm.

Từ đó mà nạn bạo hành gia đình đã giảm rõ rệt, đặc biệt có nhiều địa phương đến nay không còn phát hiện trường hợp vi phạm BLGĐ. Tiêu biểu như phường Cái Vồn (TX Bình Minh), năm 2012 có 36 vụ BLGĐ, sau khi triển khai mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ đến năm 2015 không còn xảy ra vụ nào về BLGĐ; hay như xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) năm 2014 có 19 vụ, đến năm 2015 không có BLGĐ mới xảy ra.

Thông qua những giải pháp mang tính sáng tạo được triển khai, áp dụng thời gian qua, cùng với Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới được thông tin rộng rãi; phòng chống BLGĐ đã ngày càng “thấm” sâu vào lòng dân để mọi người cùng chung tay ngăn chặn.

Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Mai: “Từ 2009- 2015, Công an tỉnh thụ lý 72 vụ BLGĐ với 72 đối tượng, đưa ra xét xử 29 vụ, phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp, những trường hợp còn lại giao cho các đoàn thể quản lý, giáo dục tại địa phương”.
Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Mai: “Từ 2009- 2015, Công an tỉnh thụ lý 72 vụ BLGĐ với 72 đối tượng, đưa ra xét xử 29 vụ, phạt vi phạm hành chính 28 trường hợp, những trường hợp còn lại giao cho các đoàn thể quản lý, giáo dục tại địa phương”.

 

Ông Trần Văn Ẩn-Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Trà Ôn: “Các thành viên CLB phòng chống BLGĐ sinh hoạt định kỳ đã chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống, thúc đẩy gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo thuận lợi cho địa phương triển khai các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong đó có nội dung phòng chống BLGĐ”.
Ông Trần Văn Ẩn-Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Trà Ôn: “Các thành viên CLB phòng chống BLGĐ sinh hoạt định kỳ đã chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống, thúc đẩy gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo thuận lợi cho địa phương triển khai các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong đó có nội dung phòng chống BLGĐ”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM