Họa sĩ Ánh Hồng- "Họa sĩ chuối"

Cập nhật, 05:40, Chủ Nhật, 21/07/2019 (GMT+7)

Nữ họa sĩ Ánh Hồng tên thật là Tạ Thị Ánh Hồng. Chị được sinh ra (năm 1961) và lớn lên tại xã Trung Thành (Vũng Liêm)- một vùng quê sông nước giàu truyền thống, cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa.

Từ nhỏ, chị đã rất đam mê màu sắc và năng khiếu vẽ xuất hiện từ rất sớm. Lớn lên, chị có nhiều điều kiện phấn đấu, học tập và rèn luyện để nâng dần khả năng hội họa và tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1997.

Nữ họa sĩ Ánh Hồng.
Nữ họa sĩ Ánh Hồng.

Chị cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Qua nhiều năm là cán bộ phụ trách về mỹ thuật ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, chị có nhiều đóng góp cho mỹ thuật tỉnh nhà. Với lòng yêu nghề, yêu con người, yêu quê hương, đất nước- nơi mình được sinh ra và lớn lên, Ánh Hồng luôn năng động, sáng tạo, tìm tòi, mạnh dạn thể hiện cảm xúc của mình qua nét vẽ độc đáo trong ngôn ngữ tạo hình.

Từ ngày vào nghề đến nay, chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp, ấn tượng, có sắc thái riêng đứng được trong các cuộc triển lãm cũng như đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi. Có thể nêu ra vài tác phẩm tiêu biểu:

Tranh lụa “Bình Minh trên biển Ba Động”, đạt giải C khu vực ĐBSCL năm 1997. Tác phẩm mô tả buổi sáng sớm với những ngư dân vùng biển đang vác ngư cụ chuẩn bị công việc cho một ngày mới, với gam màu cam đỏ của lụa thật dung dị, nhẹ nhàng nhưng đầy tình cảm. Còn nét vẽ phóng khoáng, nói lên sự bình yên, sức sống của một ngày mới trên bãi biển.

Tranh sơn dầu “Thời quá độ” đạt giải B ĐBSCL năm 2006. Tác phẩm mô tả cây cột nhà lớn được xây từ thời Pháp thuộc với nhiều chi tiết hoa văn đẹp, nhưng cũ kỹ và nứt nẻ, để lộ các viên gạch màu đỏ nâu, rong rêu loang lổ nét thời gian; bên cạnh đó là những nhà sàn lụp xụp ven sông, mờ ảo phản ánh sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước sau nhiều năm chiến tranh…

Tranh sơn dầu “Chuối”.
Tranh sơn dầu “Chuối”.

Bên kia sông là những dãy nhà cao tầng đua chen mọc lên in bóng nước lung linh ánh sáng xanh, vàng giữa vùng trời gam tím tối như hứa hẹn một tương lai tươi sáng trước mắt.

Tranh sơn dầu “Sông ven thị trấn” đạt giải C ĐBSCL năm 2002. Trong tác phẩm là cảnh xuồng ghe ven sông, xa xa là cầu Lộ mờ nhạt nối nhịp đôi dãy phố trong bầu trời tranh tối tranh sáng.

Sắc màu nóng luôn hiện hữu với những con đò, xuồng ghe đậu lại ven thị trấn, nghỉ ngơi sau một ngày dài bôn ba sông nước của thương hồ, những ánh đèn bật ra màu sáng trắng, vàng nhạt tạo nên sự tương phản nhẹ diễn tả một miền quê hương sông nước thơ mộng đáng yêu.

Tranh lụa “Hạnh phúc mùa xuân” đạt giải B ĐBSCL năm 2005. Nét đặc tả lụa thật bình dị, trên chiếc xe đạp cũ kỹ là người cha già và đứa con mọn đang vui vẻ chở mùa xuân về- với những chậu hoa cúc treo buột hai bên xe cùng em bé xinh xắn phía sau, xa xa là màu cờ lễ, tết… Màu sắc nhẹ nhàng tươi tắn, một hạnh phúc nhỏ nhoi dù hãy còn nghèo khó.

Tranh sơn dầu “Chuối”, giải thưởng khu vực ĐBSCL năm 2016. Có một thời gian, tranh về chuối được họa sĩ Ánh Hồng vẽ rất nhiều với các góc độ khác nhau, mà mỗi tác phẩm chuyển tải một nội dung, một cảm xúc ở từng thời điểm khác nhau.

Bức tranh “Chuối” này có sắc màu rực rỡ, tuy vẽ chân thật kết hợp suy tư, tác giả đã cho ra cả vườn chuối ngộ nghĩnh đầy màu sắc ngọt ngào với chuối chín, chuối sống, chuối non…

Đặc biệt là hoa chuối nói lên đặc sản quê hương miền Tây Nam Bộ trù phú. Và, bạn bè đồng nghiệp hay gọi vui họa sĩ Ánh Hồng là “Họa sĩ Chuối”…

Tranh lụa “Mắt thuyền” đạt giải B khu vực ĐBSCL năm 2017. Nhìn vào tranh, ta thấy mắt thuyền nổi bật, bên cạnh những đôi mắt thuyền khác trong cảnh chợ nổi trên sông vào mùa tết rộn ràng, tất bật…

Tranh lụa là một thể loại rất khó thể hiện. Nó đòi hỏi người sáng tạo phải chịu khó đầu tư trên mọi mặt về chất liệu, thời gian lẫn khả năng chuyên môn.

Chẳng hạn như trong phong cách “vẽ lụa rửa”, có nghĩa là sau khi tô màu xong, lại phải rửa rồi chồng lấn lớp màu khác (giới chuyên môn gọi là nhuộm).

Cách làm này đòi hỏi sự dày công đầu tư rất nhiều vào thời gian. Thế mà họa sĩ Ánh Hồng đã dám bỏ ra hàng tháng trời để đầu tư cho mỗi tác phẩm của chị. Tác phẩm lụa “Mắt thuyền” đã ra đời trong hoàn cảnh như thế!

Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Ánh Hồng còn là tác giả bức phù điêu “Quân dân Vĩnh Long anh hùng” bằng bê tông đá mài 400 x 1.200cm đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long năm 2001, phản ánh cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của quân và dân Vĩnh Long qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Với những đóng góp đó, chị đạt được nhiều giải thưởng trong tỉnh và khu vực: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải B, 3 giải C, 1 giải khuyến khích; 5 giải tặng thưởng khu vực ĐBSCL và nhiều giải thưởng trong tỉnh.

Với niềm đam mê sắc màu, đường nét từ bé, chị đã truyền lại cảm xúc về cái đẹp cho thế hệ trẻ. Trên 20 năm nay, hàng tuần, Ánh Hồng vẫn đều đặn đến lớp dạy vẽ cho các em, với nhiều độ tuổi khác nhau, từ mầm non, tiểu học đến THCS; trong số này có nhiều em đang chuẩn bị thi vào các trường mỹ thuật, kiến trúc. Có những thời điểm, học trò lên đến hàng trăm em.

Thường là chị hướng dẫn cái chung, truyền cảm hứng cho các em rồi để các em tự vẽ, chị không khuyến khích các em phải vẽ giống như mình.

Gần 40 năm lao động nghệ thuật miệt mài đầy sáng tạo khi trầm khi bổng, có lúc lắng đọng của một họa sĩ chân chính đầy niềm tin trong cuộc sống và với lòng yêu quê hương, đất nước, con người; với nét cọ dung dị, nhẹ nhàng, gam màu tươi tắn; họa sĩ Ánh Hồng đã có nhiều đóng góp cho mỹ thuật tỉnh nhà.

Họa sĩ Thanh Châu đã từng nói: “Ánh Hồng sẽ là một họa sĩ nữ tiêu biểu ở ĐBSCL”.

TÍN ĐỨC- BÁ LÂM