Chuyện làng văn nghệ

Nhà văn Nguyễn Công Hoan "thiếu vốn sống"

Cập nhật, 11:39, Thứ Bảy, 20/07/2019 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Công Hoan quê ở xã Xuân Cầu (huyện Văn Giang- Hưng Yên). Ông sinh năm 1903, mất năm 1977 tại Hà Nội.

Năm 1974, khi đã ở tuổi 71, Nguyễn Công Hoan là tác giả kỳ cựu trong làng văn với hàng chục cuốn tiểu thuyết, trong đó các cuốn “Bước đường cùng”, “Đống rác cũ”, “Người ngựa, ngựa người”, “Những thằng khốn nạn”...

Để có được một lượng tác phẩm như vậy, hẳn Nguyễn Công Hoan phải là người có rất nhiều vốn sống. Vậy mà ông vẫn luôn cho rằng là mình thiếu vốn sống.

Năm 1974, Nguyễn Công Hoan nhờ nhà nghiên cứu văn học Lê Thị Đức Hạnh (người đã viết chuyên luận về đời văn của Nguyễn Công Hoan) đến thư viện Quốc gia Hà Nội (phố Tràng Thi) tìm thêm mấy cuốn truyện ngắn của ông bị thất lạc.

Ông hẹn chị Hạnh hôm nào qua nhà thì rủ ông cùng đi. Khi chị Hạnh đến nhà (66, Hàng Bông Nhuộm) thì ông lại ngập ngừng, tỏ vẻ ái ngại: “Hay thôi, tôi cũng chẳng đi nữa. Tôi chưa có thẻ thư viện, mà cũng chưa kịp xin giấy giới thiệu của Hội Nhà văn, sợ người ta không cho vào!”

Chị Hạnh khuyên ông cứ đi, chắc nói với người ta rồi cũng mượn được. Nghe chị Hạnh nói vậy, nhà văn Nguyễn Công Hoan đồng ý cùng đi.

Đến cửa thư viện, chị Hạnh tiến lên trước nói với người thường trực: “Đây là nhà văn Nguyễn Công Hoan, chưa có thẻ, mong bác linh động một chút”.

Bác thường trực cúi chào nhà văn, trịnh trọng nói:

- Xin mời bác vào!

Chị Hạnh được thể quay sang nói với Nguyễn Công Hoan:

- Thế mà bác cứ lo không được vào. Ai mà chả biết tên tuổi nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Lúc này Nguyễn Công Hoan mới cười rất vui vẻ, rồi nhìn nhà nghiên cứu văn học trẻ Lê Thị Đức Hạnh, nói:

- Đúng là tôi còn thiếu vốn sống thật.

LÊ HỒNG THIỆN