Tản văn

Những chiếc khăn rằn- miền ký ức

Cập nhật, 06:49, Thứ Bảy, 20/07/2019 (GMT+7)

Mỗi năm, hễ đến ngày ba mươi tháng tư, mới tờ mờ sáng là tôi đều thấy ngoại còng lưng ngồi nâng niu từng chiếc khăn rằn trên đôi tay run run. Không biết ngoại thức tự bao giờ mà mấy lần trở giấc tôi đã nghe tiếng ngoái trầu cọc cạch của bà. 

Năm chiếc khăn rằn, năm người thân yêu nhất của ngoại đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường ác liệt. Ông ngoại, cậu Hai, cậu Ba, cậu Năm và cậu Út đều lần lượt ra đi, chỉ còn lại mẹ tôi- người con gái duy nhất của ngoại.

Những chiếc khăn rằn, kỷ vật của người thân được ngoại giữ gìn, nâng niu, âu yếm khác nào những con người bằng xương, bằng thịt. Theo thời gian, dẫu chúng có phai màu song vẫn ấm áp bởi tình máu mủ ruột rà không gì chia cách.

Sáng ba mươi tháng tư, ngoại lại dắt anh em tôi ra sau vườn thăm mộ. Lẽ ra các phần mộ này đã được cải táng về Nghĩa trang Liệt sĩ, nhưng ngoại... muốn được gần ông và bốn người con rứt ruột đẻ đau của mình.

Ngoại nhắc lại chuyện xưa, vẫn là những chuyện cũ của năm ngoái, năm kia nhưng anh em tôi đứa nào cũng thích thú khi được nghe kể về ông ngoại và các cậu chiến đấu kiên cường.

Ngoại bày thức ăn ra cúng, các món mà từ lâu tôi đã thuộc lòng: Mộ ông ngoại thì cúng một ly cà phê đen, vài điếu thuốc lá thơm, bánh tráng nhúng cuốn gỏi tép.

Mộ cậu Hai thì chuối chín, bánh da lợn đậu xanh thơm mùi lá dứa. Mộ cậu Ba thì một tô mắm đồng kho cạnh dĩa rau sống. Mộ cậu Năm thì bánh tét, bánh ít. Đó là những món mà lúc sinh thời ông ngoại và các cậu rất thích.

Riêng ở mộ cậu Út thì ngoại bày nhiều món ăn hơn. Ngoại nói: “Ngày trước, thằng Út sinh ra nhằm thời buổi chiến tranh ác liệt nhất. Nó thiếu thốn mọi thứ, không được như các anh, các chị nên nay... ngoại phải ưu tiên để... bù đắp cho nó!” Ngoại nói, mắt ứa nước, vai ngoại run và giọng cũng run, đứt quãng khiến anh em tôi nghẹn ngào.

Thấy mấy đứa cháu khóc, ngoại kéo khăn lau vội nước mắt: “Đừng khóc nữa các con! Hôm nay là kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà cháu ta phải vui lên để hương hồn ông ngoại và các cậu về đây chung vui cùng gia đình chúng ta”. Chúng tôi im lặng. Ngoại cười mà mắt thì đỏ hoe.

Ba mươi tháng tư năm nay, ngoại đã gần trăm tuổi nên không còn nhớ nhiều. Song mỗi khi nhìn những chiếc khăn rằn, như có một phép nhiệm mầu, ngoại lại nhớ như in về miền ký ức.

Con cháu lại được ngồi nghe ngoại nhắc những kỷ niệm xưa, và có cảm giác như ông và các cậu vẫn còn sống, quanh quẩn đâu đây, trong căn nhà này, bên cạnh người thân.

Chúng tôi tự hào về ngoại- “Mẹ Việt Nam anh hùng”- và càng hãnh diện hơn khi nhớ về những công lao của ông ngoại và các cậu, họ đã góp một phần xương máu để thế hệ sau được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

NGUYỄN LINH