Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế- xã hội

Cập nhật, 08:55, Thứ Sáu, 25/09/2020 (GMT+7)

Tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025, các đại biểu đã trình bày tham luận sâu sát, đề xuất những giải pháp phù hợp thực tế để định hướng cho sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long trong nhiệm kỳ tới.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xác định rõ công trình trọng điểm để ưu tiên nhằm phát huy hiệu quả đầu tư

Thực hiện khâu đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhằm phát triển kinh tế- xã hội, qua đó kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện, từng bước đồng bộ.

Những thành quả quan trọng: đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi chủ động tưới tiêu là 112.000ha chiếm 95%; hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa không ngừng hoàn thiện phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học hành, hưởng thụ các giá trị tinh thần của người dân.

Đầu tư phát triển đô thị đạt được những kết quả nhất định, trong đó TP Vĩnh Long đã được công nhận là đô thị loại II, TX Bình Minh được công nhận là đô thị loại III. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước 2 năm so nghị quyết.

Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên khó khăn hiện nay là nguồn lực ở tỉnh còn hạn hẹp, trong khi cùng lúc vừa phải tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, vừa phải đầu tư xây dựng xã nông thôn mới nên chưa đảm bảo nguồn vốn để thực hiện.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới của địa phương trong thời gian tới, tôi đề xuất cần tập trung thực hiện theo hướng tích hợp, lồng ghép chương trình phát triển đô thị, nhà ở và phát triển khu- cụm công nghiệp. Trọng tâm là huy động, thu hút đầu tư hạ tầng các đô thị, khu- cụm công nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, giao thông, thủy lợi, logistic.

Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư, ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế- xã hội, khuyến khích xã hội hóa đầu tư lĩnh vực GD-ĐT, y tế, văn hóa xã hội, dạy nghề, các lĩnh vực dịch vụ đô thị, môi trường…

Song song đó, xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, danh mục công trình trọng điểm, sắp xếp, lựa chọn các dự án ưu tiên cho phù hợp với mục tiêu của từng năm, đảm bảo tính khả thi và phát huy hiệu quả đầu tư. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng xây dựng chính quyền điện tử và nền kinh tế số, công nghiệp 4.0.

Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo đảm môi trường. Vấn đề quan trọng nữa là thực hiện tốt công tác tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Một trong những động lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025 là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm, phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá, bền vững trong vùng ĐBSCL, bên cạnh thực hiện đồng bộ các khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư thì việc tập trung tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT: Giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy những năm gần đây sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại nhưng ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thủy sản, từ sản xuất lúa sang cây rau màu và cây ăn trái.

Cùng các giải pháp tổ chức sản xuất khác, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2020 đạt 240 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 89 triệu đồng/ha/năm so năm 2015.

Nhìn lại, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu lại tương đối hiệu quả; sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Có sự chuyển đổi mạnh mẽ về sản xuất từ chỗ cung ứng cho đời sống hàng ngày sang sản xuất mang tính chuyên môn cao, cung ứng hàng hóa cho thị trường. Xu thế sản xuất hàng hóa, lấy hiệu quả kinh tế làm trung tâm đang là xu thế phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà.

Cụ thể như trồng trọt, ngành nông nghiệp chủ trương dần phá thế độc canh cây lúa, tiến hành thâm canh, tăng vụ, rải vụ; đa dạng hóa các loại cây trồng thông qua đưa cây màu xuống ruộng, đẩy mạnh phát triển cây lâu năm.

Chăn nuôi chuyển đổi theo hướng tăng quy mô bình quân tổng đàn vật nuôi trên hộ nuôi so trước đây. Các sản phẩm nuôi thâm canh như cá tra, cá lồng bè chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều tồn tại và không ít khó khăn, thách thức như việc liên kết sản xuất và tiêu thụ qua hình thức hợp đồng chính thức còn rất khiêm tốn.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; người dân chưa thật sự tin tưởng và quan tâm tham gia xây dựng các hợp tác xã để liên kết lẫn nhau trong sản xuất; hợp tác xã hoạt động còn yếu. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn.

Vì vậy định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đề xuất cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính tất yếu của phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; làm nông nghiệp phải gắn liền với làm kinh tế.

Phải phát triển sản xuất theo hướng an toàn thông qua các chính sách; trong đó trọng tâm là hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, GAP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh, cần phát triển hợp tác xã nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khắc phục tính nhỏ lẻ trong sản xuất, quản lý chất lượng nông sản.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao với các sản phẩm có lợi thế. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng tăng cường thích ứng biến đổi khí hậu, đầu tư thủy lợi theo hướng đa mục tiêu...

NHÓM PHÓNG VIÊN (ghi)