Đánh thức tinh thần miền đất "địa linh nhân kiệt"

Cập nhật, 19:46, Thứ Năm, 24/09/2020 (GMT+7)

Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại doanh nghiệp (DN) và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Qua đó, thúc đẩy các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN yên tâm đầu tư, phát triển.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long: Đánh thức tinh thần miền đất “địa linh nhân kiệt”

Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) những năm gần đây cho thấy Vĩnh Long duy trì ở mức cao và trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt. Những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng DN trong thời gian qua đạt được kết quả tốt, đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Tường Nam.
Ông Nguyễn Tường Nam.

Tuy nhiên, tổng thể quy mô kinh tế của tỉnh nhìn chung và các DN còn khá nhỏ khi so sánh trong khu vực và cả nước. Sức cạnh tranh của DN, công nghệ sản xuất chưa cao; hiệu suất lao động còn thấp, nguồn nhân lực chưa cân đối ở mức tối ưu; chưa hình thành chuỗi liên kết sản phẩm DN, chuỗi liên kết phát triển cộng hưởng; nguồn lực hỗ trợ DN chưa nhiều; phát triển DN gắn định hướng phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên bản địa chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư; vấn đề ứng phó biến đổi điều kiện tự nhiên... Đó là những thách thức đối với chính quyền và cả DN.

Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, nhân dân và cộng đồng DN kỳ vọng sẽ có những đổi mới và định hướng mạnh mẽ, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn vừa cân bằng phát triển xã hội. Tôi xin đề xuất mấy vấn đề sau:

Một là, định hướng phát triển kinh tế ngành gắn với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương. Điều kiện của Vĩnh Long có thể phát triển kinh tế theo hướng chính: nông nghiệp- cây ăn trái đặc sản chất lượng cao, vùng chuyên canh bảo tồn và phát triển cây giống; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; xây dựng phát triển đô thị sinh thái; dịch vụ các lĩnh vực GD-ĐT, cung cấp nhân lực chất lượng cho khu vực. Để tối ưu hóa sử dụng vốn đầu tư và nguồn lực xã hội, quy hoạch tổng thể chiến lược cần đảm bảo sự tuân thủ, trình tự ưu tiên và có tính dự báo các biến đổi tiếp theo về tự nhiên, xã hội, kinh tế.

Hai là, định hướng đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và vai trò kinh tế số. Cần đánh giá cơ hội, thách thức để đẩy mạnh hiệu quả phục vụ xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Xây dựng nền tảng xã hội công nghệ và con người sẽ thúc đẩy nhanh việc giải quyết những vấn đề khó về tăng cường liên kết chuỗi cung ứng, sản phẩm, dịch vụ... giảm chi phí, thời gian, nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, tích lũy kinh tế nội tại cho địa phương làm lực đẩy lâu dài phát triển bền vững.

Ba là, định hướng thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển DN. Bên cạnh tạo cơ chế cũng cần tạo dư địa cho phát triển. Đánh giá vai trò liên kết vùng cũng như hợp tác với các tỉnh, thành phố khác. Khơi thông, kết nối và giữ lại các nguồn lực tốt cho địa phương như: nguồn nhân lực chất lượng cao, dòng vốn tín dụng, nguyên vật liệu sản xuất...

Bốn là, định hướng tương quan phát triển kinh tế gắn với điều kiện kiến tạo, điều tiết, phát triển những giá trị xã hội, văn hóa. Bên cạnh tạo cơ chế và dư địa tăng trưởng, kiến tạo những giá trị văn hóa- xã hội giúp DN phát triển bền vững hơn.

Năm là, tiếp tục phát huy tinh thần cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch phục vụ người dân và DN. Bộ máy các cơ quan, ngành, địa phương được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả. Các hội, hiệp hội hoạt động đúng vai trò đại diện cộng đồng DN, làm cầu nối tương tác tốt với cơ quan chính quyền, cùng các ban đảng thông tin cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, định hướng để đồng hành phát triển kinh tế địa phương.

Tôi tin tưởng rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI sẽ đánh thức tinh thần miền đất “địa linh nhân kiệt”, khơi dậy niềm tin và tự hào “đất học” của vùng ĐBSCL để tất cả cùng quyết tâm, với trách nhiệm và vinh dự, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp!

Đồng chí Nguyễn Văn Đỏ- Phó Ban Dân vận Thành ủy Vĩnh Long: Đề xuất tỉnh tập trung phát triển kinh tế du lịch

Tôi vô cùng phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng đại hội sẽ bầu ra được những đồng chí trong BCH có đủ đức, đủ tài, luôn gần dân, hiểu dân, nắm tâm tư nguyện vọng của dân để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới đề ra, góp phần xây dựng tỉnh ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Văn Đỏ.
Đồng chí Nguyễn Văn Đỏ.

Tôi đề xuất thêm, tỉnh cần tập trung vào phát triển kinh tế du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư các DN trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng khu du lịch, vui chơi, giải trí; không ngừng thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cho các công ty, DN đến đầu tư trên địa bàn…

Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách đối với người có công được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện tốt. Thế nhưng việc chăm lo đối tượng này chưa nhận được sự quan tâm thường xuyên của xã hội. Vì thế, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân, khẳng định công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất tỉnh cần có chủ trương, chế độ chính sách cho những người về hưu trước tuổi để động viên tinh thần tự nguyện cũng là ghi nhận những đóng góp của các cá nhân này.

Đồng chí Vi ti va lay- Bí thư Chi bộ ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình, TX Bình Minh): Đề nghị tỉnh chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp

Qua báo cáo dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh, tôi vô cùng phấn khởi trước những thành tựu tỉnh ta đã đạt được. Trong nhiệm kỳ mới, tôi đề nghị tỉnh cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xác định từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, điều kiện xã hội nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Đồng chí Vi ti va lay.
Đồng chí Vi ti va lay.

Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương như hỗ trợ kinh phí xây nhà, vay vốn lãi suất 0%, hỗ trợ con giống phát triển kinh tế, hỗ trợ BHYT… Chính sự quan tâm ấy mà đời sống của người dân ngày càng khá hơn và sinh hoạt tín ngưỡng được cải thiện. Đồng bào Khmer luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, từ đó không còn trông chờ, ỷ lại mà chủ động phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít đồng bào Khmer ở các phum sóc vẫn còn gặp khó khăn. Đặc biệt là trình độ dân trí của một bộ phận bà con chưa ngang tầm với xu thế phát triển của xã hội. Chính vì vậy, đề nghị tiếp tục quan tâm hơn nữa việc truyền đạt nhanh và hiệu quả những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào, nhằm làm chuyển biến nhận thức theo hướng tiến bộ.

Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Khmer có thế mạnh văn hóa đặc sắc như sinh hoạt cộng đồng, thực hiện lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú đa dạng như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sel Dolta, Ok Om Bok… tại các chùa. Vì thế, thời gian tới, mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư phát triển du lịch văn hóa tính ngưỡng chùa Khmer, du lịch sinh thái kết hợp với xây dựng làng nghề truyền thống đúng tiềm năng lợi thế của đồng bào… Qua đó có thể vừa phát huy được truyền thống của dân tộc vừa giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho bà con.

TRẦN PHƯỚC- CẨM HUỆ (ghi)