Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long trả lời chất vấn

Cập nhật, 05:45, Thứ Bảy, 09/12/2017 (GMT+7)

Trong ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Có nhiều vấn đề được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp này, trong đó việc xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh được đại biểu quan tâm.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Đệ.
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Hoàng Đệ.

* Đại biểu Trương Văn Tùng (đơn vị huyện Tam Bình) chất vấn: Năm 2017, số án đang giải quyết còn nhiều (887 vụ việc), trong đó có 250 vụ việc đang tạm đình chỉ; số án bị hủy, sửa còn nhiều (án bị hủy 46,5 vụ, bị sửa 192 vụ).

Vậy, trong số án còn đang giải quyết, có bao nhiêu vụ thụ lý quá hạn luật định. Trong đó có trường hợp nào tạm đình chỉ nhiều lần?

Việc tạm đình chỉ của tòa án có gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của đương sự không? Số án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, ngoài việc gây thiệt hại quyền lợi ích hợp pháp của đương sự còn làm ảnh hưởng đến nghiêm minh của pháp luật, của tòa án và gây tốn kém kinh phí để giải quyết vụ kiện. Vậy trách nhiệm của thẩm phán như thế nào?

Trong số 197 đơn khiếu nại và 19 đơn tố cáo mà tòa án đã tiếp nhận và giải quyết có trường hợp nào khiếu nại việc tạm đình chỉ về việc tòa án dây dưa trong giải quyết án kiện đương sự hay không?

Theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Vĩnh Long năm 2017, tòa án chưa thực hiện đúng việc gửi và thông báo văn bản theo quy định của Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính; có 556 thông báo thụ lý, 208 bản án quyết định và 12 bản án, quyết định hành chính.

Vì sao những sai sót này lặp đi lặp lại, cách khắc phục của tòa án? Trách nhiệm của cán bộ, thẩm phán ra sao?

- Trả lời chất vấn này, Chánh án TAND tỉnh- Nguyễn Hoàng Đệ cho biết: Trong năm 2017, TAND 2 cấp tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý 7.673 vụ việc, kết quả giải quyết 6.786 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,4%; còn đang giải quyết 887 vụ việc (trong đó, có 250 vụ việc đang tạm đình chỉ).

Trong số 887 vụ việc còn đang giải quyết của TAND 2 cấp tỉnh Vĩnh Long thì không có vụ việc nào để quá hạn thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định.

Trong số 250 vụ việc của TAND 2 cấp tỉnh Vĩnh Long đang tạm đình chỉ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính thì do có yếu tố nước ngoài phải chờ ủy thác tư pháp, một số vụ án phải chờ kết quả khảo sát đo đạc, kết quả định giá, kết quả trưng cầu giám định, kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền…

Trong số các vụ việc tạm đình chỉ này, có một số vụ án phải tạm đình chỉ nhiều lần. Ví dụ, tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả khảo sát đo đạc, sau khi có kết quả khảo sát đo đạc thì đương sự lại yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết nên tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả trưng cầu giám định chữ ký…

Các vụ việc tạm đình chỉ của tòa án không gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bởi vì, vấn đề này chưa giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đây chỉ là giai đoạn thực hiện tố tụng theo quy định của pháp luật.

Về các vụ án bị hủy do lỗi khách quan của thẩm phán, do các đương sự cung cấp chứng cứ mới mà chưa cung cấp cho cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm nên làm phát sinh tình tiết mới. Do vậy, cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm phải hủy án để xét xử lại theo thủ tục chung.

Về các vụ án bị hủy do lỗi chủ quan, các thẩm phán thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đưa thiếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng… nên bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy.

Tuy nhiên các vụ án bị hủy này, chưa gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án; đồng thời Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các vụ án hủy nêu trên, chưa phát hiện dấu hiệu thẩm phán cố ý làm sai lệch vụ án dẫn đến các vụ án phải bị hủy.

Đối với các vụ án bị hủy, khi xét xử lại thì vẫn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Việc án bị hủy đi hủy lại nhiều lần cũng ảnh hưởng phần nào đến thời gian giải quyết vụ án do vụ án bị kéo dài, vấn đề này Chánh án TAND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo đối với các thẩm phán có loại án này phải sớm đưa ra xét xử, tránh tình trạng vụ án giải quyết kéo dài gây ảnh hưởng dư luận không tốt trong nhân dân.

Xoay quanh trách nhiệm của thẩm phán đối với các vụ án bị hủy, Chánh án TAND tỉnh đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp TAND.

Theo đó, thẩm phán bị án hủy, sửa nhiều (vượt tỷ lệ cho phép) thì sẽ bị xử lý trách nhiệm như: kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị;

thẩm phán phải tạm dừng thực hiện nhiệm vụ; bố trí làm công việc khác; chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán; không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán nếu thẩm phán có hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc hành vi gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến việc tòa án phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tòa án, niềm tin của nhân dân vào tòa án.

Trong số 197 đơn khiếu nại và 19 đơn tố cáo mà tòa án 2 cấp đã thụ lý và giải quyết thì không có trường hợp nào khiếu nại hay tố cáo việc tòa án ra quyết định tạm đình chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ kiện của đương sự, mà chủ yếu nội dung khiếu nại về hành vi tố tụng của thẩm phán, thẩm phán ra bản án còn thiếu sót, vấn đề trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu thay đổi thẩm phán, tố cáo hành vi của cán bộ công chức,…

Chánh án TAND 2 cấp cũng giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại tố cáo, cơ bản nhận được sự đồng thuận nhân dân không khiếu nại vượt cấp.

Về kiến nghị của Viện KSND, vấn đề này đã được tổ chức rút kinh nghiệm và hiện nay TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh đang hoàn chỉnh quy chế phối hợp về vấn đề này để sang năm 2018 không còn những sai sót này lặp lại.

Việc một số văn bản tố tụng của tòa án gửi cho viện kiểm sát chưa đúng thời gian quy định có nguyên nhân do tòa án không gửi các văn bản tố tụng trực tiếp mà gửi thông qua đường bưu điện nên khi các bộ phận nhận được văn bản tố tụng này trễ so với quy định.

Hiện nay Chánh án TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc TAND tỉnh khắc phục ngay tình trạng chậm gửi và thông báo văn bản theo quy định của Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cho cơ quan Viện KSND cùng cấp; đồng thời Chánh án TAND tỉnh cũng có hướng chỉ đạo các thư ký sẽ giao nhận trực tiếp các văn bản tố tụng với viện KSND cùng cấp, việc giao nhận này có lập biên bản để đối chiếu.

Đối với những trường hợp cán bộ, thẩm phán chưa thực hiện đúng và để xảy ra các kiến nghị viện KSND thì Chánh án TAND tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan.

* Truy vấn sau phần trả lời của Chánh án TAND tỉnh, đại biểu Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách thuộc HĐND tỉnh cho biết, cử tri phản ánh có trường hợp người dân đến làm việc, cán bộ tiếp nhận hỏi có gì không, đưa hồ sơ thì “mặt lạnh như tiền”, đại biểu muốn biết thái độ và cải cách tư pháp của ngành được thực hiện như thế nào, nhất là công tác dân vận chính quyền?

- Ông Nguyễn Hoàng Đệ cho biết, việc cải cách tư pháp được ngành thực hiện từ năm 2009, theo đó việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế 1 cửa đối với TAND cấp tỉnh; đối với tòa án cấp huyện có chánh văn phòng phụ trách.

Thời gian qua, có một số trường hợp như đại biểu đã nêu, chúng tôi cũng đã có làm việc. Năm 2017, ngành đã giải quyết 2 trường hợp khiếu nại trong công tác nhận đơn và đã khắc phục được.

Trong thời gian tới, chúng tôi mong nhận những ý kiến đóng góp của người dân trong những trường hợp tương tự và sẽ xem xét xử lý những cán bộ thực hiện không đúng quy định theo tinh thần cải cách tư pháp.

TÂM HUỆ (ghi)