Sách ở Trường Sa

Cập nhật, 10:07, Thứ Ba, 21/06/2016 (GMT+7)

Đến với Trường Sa, chúng tôi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn chứng kiến một nét đẹp về văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo.

Ở đây, sách, báo luôn được mọi người xem như là người bạn thân thiết, là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đảo xa.

Tại Phòng Hồ Chí Minh trên các đảo của quần đảo Trường Sa, những tủ sách, giá sách thường được xếp gọn gàng.

Mỗi đảo có cả ngàn đầu sách thuộc nhiều loại: lịch sử, chính trị, pháp luật, xã hội, danh nhân, đối nhân xử thế, văn hóa, phong tục, sách tiếng Anh, sách ôn thi đại học, cao đẳng… và một phần không nhỏ là sách văn học.

Riêng thư viện ở Trường Sa Lớn có tới trên 6.000 đầu sách, hơn 30 đầu báo, tạp chí và một tủ sách pháp luật, phục vụ nhu cầu giải trí, học tập của cán bộ, chiến sĩ sau giờ huấn luyện, lao động căng thẳng. Ai không có thời gian đọc tại thư viện có thể mượn sách về phân đội đọc những khi rảnh rỗi.

Trung tá Nguyễn Đức Độ, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Song Tử Tây tâm sự: Nhiệm vụ của người lính đảo là góp phần canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn luôn tìm cách làm phong phú đời sống tinh thần.

Tủ sách ở mỗi đơn vị chiến đấu đã trở thành trung tâm kiến thức của lính đảo. Bộ đội Trường Sa luôn xem sách là người thầy tài hoa, người bạn thân thiết, nguồn tư liệu quý giá giúp họ tích lũy kiến thức để làm phong phú thêm tri thức.

Để kích thích đam mê đọc sách, bên cạnh việc tổ chức đọc báo, điểm báo mỗi ngày, hàng tháng, mỗi tháng, đơn vị lại có một buổi sinh hoạt để định hướng, giới thiệu cho anh em tìm đọc những cuốn sách hay, bổ ích.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau trao đổi, bình luận về những cuốn truyện, cuốn sách mà mình tâm đắc. Nhiều chiến sĩ kể, ở nhà hầu như chẳng chạm đến quyển truyện, cuốn sách nào. Nhưng ra đảo thì lại theo phong trào rồi tự mình thích đọc, dần dần hình thành thói quen mượn sách, báo, tạp chí.

Trên đảo chìm, các tủ sách được xếp gọn gàng trong một phòng làm việc, cũng là phòng nghỉ. Chiến sĩ Đỗ Văn Ninh, đảo chìm Len Đao chia sẻ: “Với em, đọc sách, báo không những mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp em có những phút giây thư giãn, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Vì thế, thời gian rảnh em thường tìm tới sách, báo để hiểu hơn về quê hương, đất nước mình, để xích lại gần hơn với đất liền”. 

Phong trào đọc sách không chỉ được duy trì và phát triển mạnh trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ mà đã lan tỏa mạnh mẽ đối với các cư dân sinh sống trên đảo. Không bị chi phối bởi những trò chơi điện tử hiện đại đắt tiền như điện thoại thông minh, iPad... trẻ em trên đảo có niềm say mê đặc biệt với sách, đặc biệt là truyện tranh.

Thầy giáo Lê Anh Đức, Trường tiểu học Sinh Tồn chia sẻ, trên đảo mới chỉ ba em biết đọc chữ nhưng giờ đọc truyện luôn là tiết học ngoại khóa được các em yêu thích nhất. Với chúng, những cuốn sách ấy không chỉ là hình vẽ đẹp, những câu chuyện hay mà còn mở ra một thế giới kỳ diệu của trí tưởng tượng mà không phải bé nào sống ở đảo cũng có thể hình dung ra được.

Vì thế, bên cạnh những món quà mà đứa trẻ nào cũng thích là đồ chơi, kẹo bánh thì truyện tranh là một trong những điều mà bọn trẻ nơi đây háo hức chờ đợi nhất. 

Hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều bổ sung sách, truyện, tạp chí cho các thư viện ở Trường Sa. Bên cạnh đó, các đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội.

Có nhiều thời điểm, báo chí khi chuyển ra đến đảo đã cách ngày xuất bản đến cả tháng nhưng các chiến sĩ không lấy đấy làm buồn bởi “cũ người mới ta”, chưa đọc, chưa xem nghĩa là vẫn còn rất mới.

Theo SGGPO