Thăm Bến Nhà Rồng

Cập nhật, 19:28, Chủ Nhật, 05/06/2016 (GMT+7)

Chúng tôi đến thăm Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM vào một ngày hè đầu tháng 6, không gian trầm mặc nơi đây đang được điểm thêm sắc sen hồng tạo nên gam màu tinh khôi giữa phố thị.

105 năm đã đi qua kể từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, thế nhưng với người dân Việt Nam thì dấu chân của Người vẫn đậm in trên Bến Nhà Rồng.

Lần đầu tiên được đặt chân đến Bến Nhà Rồng, trực tiếp nhìn thấy nơi mà hơn một thế kỷ trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc là niềm vinh hạnh với đoàn hưu trí đến từ quê hương vùng cao Hà Giang. Từ địa đầu Tổ quốc họ đã đến với thành phố mang tên Người, được tìm hiểu về những gian nan, vất vả mà Bác đã trải qua 30 năm bôn ba khắp bốn biển năm châu.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, cán bộ công an hưu trí huyện Bắc Quang, Hà Giang không khỏi xúc động trước hình ảnh giản dị của vị lãnh tụ đáng kính, và hơn hết là tấm lòng yêu nước của Bác với ý chí và nghị lực phi thường, sự kiên định đã tạo nên sức mạnh to lớn cho toàn dân tộc. Ông nói: “Hôm nay, chúng tôi lần đầu tiên đến Bến Nhà Rồng thăm nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Quá trình tìm đường cứu nước của Bác rất vất vả, hy sinh, chúng tôi vô cùng xúc động, là con cháu dân tộc Việt Nam, là cán bộ trong ngành công an đã nghỉ hưu chúng tôi sẽ giáo dục, tuyên truyền cho con cháu công ơn của Bác, công ơn của Đảng vô cùng to lớn với dân tộc Việt Nam, do đó chúng tôi phải học tập và làm theo tấm gương của Bác”.

Sau một giờ đồng hồ tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Mai Xuân Núi, đến từ Hà Giang cho biết, bản thân ông từng tìm hiểu nhiều về cuộc đời Bác và tâm niệm luôn học tập theo tấm gương đạo đức của Người. Song được đến với nơi đây, ông Núi càng thêm yêu kính và cảm phục Bác. Một thanh niên có chí lớn, chỉ với đôi bàn tay trắng và khối óc, Người đã vượt đại dương tìm chân lý soi sáng cho dân tộc.

Dẫu trải qua muôn nghìn gian khó nhưng chính hoài bão cao cả đã giúp Người vượt lên trên tất cả. Hôm nay, được đứng bên cảng Sài Gòn, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm xưa khiến một người con như ông Núi cảm thấy bồi hồi: “Lần đầu tiên đến tham quan Bến Nhà Rồng được thắp hương cho Bác, khuôn viên nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước rất đẹp, chỉnh trang, chúng tôi được giới thiệu nhiều hình ảnh đẹp về Bác ra đi tìm đường cứu nước và trở về nước”.

 

Bến Nhà Rồng -  Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM. Ảnh: BaotangHCM
Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM. Ảnh: BaotangHCM

Đến từ quê hương xứ Nghệ, những người dân của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng say sưa xem và đọc những hình ảnh, tư liệu quý giá về Bác kính yêu. Càng xem bà Thái Thị Ẩn và những cựu chiến binh Tân Kỳ, Nghệ An càng thêm yêu quý  Bác.

Bà Ẩn chia sẻ Bác xa quê từ khi còn rất nhỏ, song  hai tiếng quê hương luôn đậm sâu trong tim Người. Có thể nói, chính truyền thống giàu lòng yêu nước, gần gũi với nhân dân đã hun đúc nên lý tưởng giải phóng dân tộc nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Hôm nay, được đứng tại nơi bến cảng ghi dấu chân Người, lòng sao thấy bồi hồi.

“Đến thăm nơi đây được ôn lại quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi rất cảm động và học từ Bác rất nhiều. Bôn ba hải ngoại và tìm đường cứu nước, một vị lãnh tụ, một người từ cuộc sống bình thường cho đến khi trở thành lãnh tụ đã qua bao gian khổ hy sinh. Bác đã cống hiến cuộc đời của mình cho cuộc sống hôm nay. Chúng tôi là những người đi sau, khi nhìn vào chân dung của Bác cảm thấy mình rất hạnh phúc, sung sướng khi đã có Bác dẫn đường”, bà Ẩn tâm sự.

Bước ra từ gian phòng triển lãm hình ảnh về Bác Hồ trong thời gian bôn ba tại nước ngoài, anh Lê Văn Tiến, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hôm nay là lần thứ 2 đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh vô cùng khâm phục ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của Bác. Đây là bài học lớn cho những người trẻ hôm nay và với riêng bản thân Tiến thì bài học về trách nhiệm của thanh niên với đất nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Quãng đường Bác ra đi tìm đường cứu nước rất chông gai và Bác giữ vững lập trường với lòng nhiệt huyết muốn tìm đường cứu nước. Trong thời đại bây giờ tôi nghĩ thanh niên chúng ta quan trọng nhất là phải có lý tưởng, có định hướng phải làm gì để phục vụ cho lợi ích cộng đồng, cá nhân và lý tưởng phải đúng đắn”, anh Tiến cho biết.

Trên hành trình 30 năm qua các châu lục, đi tìm ánh sáng cho dân tộc của Người là hành trình của lòng yêu nước tột cùng và một ý chí kiên định, sắt son. Ánh sáng chân lý nơi Người đã tạo nên sức mạnh vĩ đại mang đến thắng lợi cuối cùng và độc lập tự do, hạnh phúc cho dân tộc hôm nay

Theo VOH