Nhiếp ảnh Vĩnh Long: Gắn bó cùng hơi thở cuộc sống

Cập nhật, 09:49, Thứ Bảy, 04/06/2016 (GMT+7)

Nếu tính từ hiệu ảnh “Photo Hà Nội” xuất hiện ở Vĩnh Long từ năm 1930 thì nhiếp ảnh Vĩnh Long đã có bề dày lịch sử khoảng 86 năm rồi.

Trải qua hơn 8 thập niên phát triển, nhiếp ảnh đã để lại dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm, tên tuổi gắn bó cùng những bước đi thăng trầm của lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc đời thường, những phút giây đáng nhớ của cuộc sống và lịch sử.

Cho đến hôm nay, cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhiếp ảnh Vĩnh Long đã hình thành một đội ngũ sáng tác hùng hậu đa dạng, đa phong cách và những tay chơi tài tử chỉ để thỏa niềm đam mê “bấm, chộp”.

 

Thời nay, phóng viên nhiếp ảnh tác nghiệp “sướng thiệt!”Ảnh: Dương Thu
Thời nay, phóng viên nhiếp ảnh tác nghiệp “sướng thiệt!”Ảnh: Dương Thu

 

Kỳ 1: Xây nền móng “ngôi nhà” nhiếp ảnh

Đây là giai đoạn sơ khai mà “chụp hình” còn khá xa lạ với người dân nông thôn. Nhiếp ảnh hình thành rõ nét 2 lực lượng: kinh doanh hiệu ảnh và một đội ngũ nghệ sĩ, phóng viên gắn bó với chiến trường phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; cho đến khi chính thức được thành lập Phân hội Nhiếp ảnh sau ngày đất nước thống nhất.

Những ngày đầu tiên ấy

Photo Hà Nội được ghi nhận là tiệm ảnh lâu đời nhất ở Vĩnh Long, do một cư dân từ Hà Nội vào định cư sinh sống ở trung tâm thị xã lúc bấy giờ.

Tiệm ảnh uy tín, chụp ảnh chân dung, hình thờ, ảnh đám cưới. Nhiều người cao tuổi thậm chí còn giữ được ảnh chụp khi còn trẻ. Sau đó, là một loạt tiệm ảnh mà trong đó có tiệm còn tồn tại đến ngày nay như: Photo Thiệt, Mỹ Phát, Xuân Phát,... Bảo tàng Vĩnh Long vẫn còn lưu giữ một số ảnh rất đẹp của giai đoạn này.

Đặc điểm ảnh thời kỳ này là mặc dù máy móc, kỹ thuật thô sơ, nhưng nước thuốc rửa ảnh “siêu bền” đã lưu giữ tuổi xuân của nhiều người trải qua hàng nửa thế kỷ vẫn còn rất rõ, đẹp. Hồi xưa, ai đi chụp ảnh có thể xem là sự kiện của cuộc đời mình.

Ở miền Tây, cho đến ngày nay vẫn còn thấy thói quen treo ảnh trên vách nhà, dán ảnh trên tủ kính hay bày ảnh dưới tấm kính của bàn trà ở ngay phòng khách. Thỉnh thoảng người ta xem lại, nhắc nhở những kỷ niệm của ngày xưa.

Nhất là những cô gái, chàng trai rất mê chụp ảnh để giữ lại hình ảnh của thời còn son trẻ. Người già thì chụp bộ ảnh để dành khi mình quy tiên thì con cháu có ảnh thờ. Dễ thương nhất là hình ảnh của trẻ con.

Ở gần dốc cầu Cái Cá, có gia đình dòng họ Trương còn lưu giữ bức ảnh ông nội tổ của mình mặc triều phục nhà Nguyễn, nhưng theo gia đình bức hình này có lẽ thực hiện ở ngoài Huế thì phải.

Giá trị lịch sử của những bộ ảnh này, chính là ghi lại cách sinh hoạt, trang phục của người dân của từng vùng miền, qua từng thời kỳ như thế nào, giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, điện ảnh có thể tìm hiểu, tái hiện lịch sử đúng như cuộc sống đã từng có.

Phóng viên chiến trường

Ngay từ thời kháng chiến chống Pháp, đội ngũ nhiếp ảnh Vĩnh Long đã khá phát triển. Hầu hết những người trong Tiểu ban Báo chí đều biết cầm máy, nhưng do máy ảnh ít và rất quý nên thường là nhiều người thay phiên nhau sử dụng.

Ngay cả chuyện phim là cả vấn đề nên luôn phải đắn đo trước khi bấm máy, đâu phải như thời đại kỹ thuật số ngày nay, cứ “la-phan” một phát là hàng chục tấm ảnh ra đời.

Theo ghi nhận, có lẽ người đầu tiên có tác phẩm ảnh báo chí là nhà báo, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Hải Trừng, được kết nạp Đảng năm 1937, lên Sài Gòn làm nghề chụp hình kiếm sống, vừa làm giao liên cho Xứ ủy Nam Kỳ.

Sau khi cưới vợ là con gia đình giàu có, ông thành lập tiệm ảnh lớn. Sau đó, ông ra Hà Nội và là 1 trong 7 thí sinh miền Nam lấy học bổng của Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương khóa cuối (1940- 1943), cùng thời với các cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam là: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm.

Về Vĩnh Long năm 1943, Nguyễn Hải Trừng vẫn tham gia làm báo cho “Thanh niên Sài Gòn”, thế nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Trừng lại thành công và nổi tiếng trên lĩnh vực văn chương.

Nghệ sĩ Ba Lâm tại cuộc triển lãm ảnh của tỉnh. Ảnh: Dương Thu
Nghệ sĩ Ba Lâm tại cuộc triển lãm ảnh của tỉnh. Ảnh: Dương Thu

Theo ông Trần Văn Ngừa (thường gọi Ba Lâm, Trần Lâm, Ba Rùa), thời kỳ chống Mỹ cứu nước, báo chí Vĩnh Long phát triển khá mạnh nên nhiếp ảnh cũng ngày càng phát triển.

Hồi đó, ở Tiểu ban Báo chí đa số đều biết cầm máy, nhưng do máy ảnh ít và quý nên thay phiên nhau sử dụng chung và thường ưu tiên cho những phóng viên đi phục vụ chiến trường. Máy ảnh quý đến nỗi nâng niu, gìn giữ còn hơn cả bản thân mình.

Mỗi khi có người bị thương, hay sắp hy sinh đều cố giao máy lại cho đồng đội. Máy chụp hình lúc đó của Tiểu ban Báo chí đều là máy vuông, hiệu Yachica của Nhật. Phương tiện in tráng và phóng ảnh rất thô sơ, có lúc ông Ba Lâm phải chế máy phóng bằng... đất sét, vậy mà hiệu quả sử dụng rất cao.

Đội ngũ phóng viên nhiếp ảnh báo chí dần phát triển rất đông đảo, khó có thể kể hết, mà trong đó cũng có người đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ ở chiến trường.

Có thể kể một số người tiêu biểu như: Nguyễn Văn Chiến (Mang Thít), Nguyễn Văn Ưng (Tam Bình), Nguyễn Văn Cường (Tam Bình), Nguyễn Long (Long Hồ), Lê Minh Phú (Sa Đéc), Lê Văn Hùng (Tam Bình), Phạm Văn Minh (Long Hồ),...

Trong số đó, nghệ sĩ Ba Lâm gắn bó cùng chiếc máy ảnh cho đến sau ngày đất nước thống nhất. Năm 1983, Phân hội Nhiếp ảnh được thành lập, ông Ba Lâm được bầu là Phân hội phó, rồi Phân hội trưởng. Cho đến nay dù tuổi cao, thỉnh thoảng ở các sự kiện lớn của tỉnh vẫn thấy nghệ sĩ già Ba Lâm cầm máy, như vẫn còn nguyên nhiệt huyết của một thời trai trẻ ngày nào lăn lộn giữa khói lửa chiến trường.

Nhiếp ảnh Vĩnh Long cho đến nay đã tiến những bước tiến dài, cùng với lớp nghệ sĩ tài năng mới biết tận dụng ưu thế của khoa học kỹ thuật.

Nhưng lịch sử nhiếp ảnh Vĩnh Long vẫn không thể nào quên những con người đầu tiên, đã đặt những “viên gạch” đầu tiên cho “ngôi nhà” nhiếp ảnh Vĩnh Long.

Trong đó, có câu chuyện vô cùng cảm động của phóng viên Huỳnh Hữu, mỗi khi vào chiến dịch cần ảnh triển lãm, ông đã thức thâu đêm và buộc mình vào ghế cho khỏi ngủ gục. Và chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nghệ sĩ- chiến sĩ Huỳnh Hữu đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chụp ảnh tại chiến trường.

 

Trong kháng chiến, nhiệm vụ chủ yếu của phóng viên nhiếp ảnh là chụp ảnh tư liệu, chụp ảnh phục vụ cho báo "Kèn giải phóng", báo "Quyết thắng" của tỉnh. Đồng thời, làm nhiệm vụ phóng lớn các ảnh để tổ chức triển lãm dã chiến ở các ngã ba sông, ngã ba đường, triển lãm mỗi khi có hội nghị, văn công biểu diễn phục vụ đồng bào.

(Còn tiếp)

Mời xem trên VLCN kỳ tới

NGỌC TRẢNG- SẮC THÁI