Đi qua Trà Vinh- ngày nắng như đổ lửa

Cập nhật, 06:28, Chủ Nhật, 15/05/2016 (GMT+7)

Trà Vinh mùa nắng nóng. Ao Bà Om khô nứt nẻ giữa những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi… Đi qua thành phố cây xanh của ĐBSCL những ngày này, trời cũng nắng nóng như đổ lửa.

Chúng tôi xuống Trà Cú về miệt Hàm Giang, Hàm Tân… đường nhựa nóng hừng hực, băng qua những cánh đồng khô khốc mà người dân nói vừa thu hoạch 1 công đất không đầy nửa bao lúa, nhưng đàn bò vẫn nhẫn nại tìm vài ngọn cỏ hiếm hoi để ăn.

Hạn mặn “chưa từng gặp”, khiến câu chuyện sinh kế ở những vùng nông thôn càng khắc nghiệt, khó khăn hơn.

Đàn bò tìm cỏ trên cánh đồng nắng Trà Cú khô khốc.
Đàn bò tìm cỏ trên cánh đồng nắng Trà Cú khô khốc.

Cỏ mọc không nổi

Hơn 9 giờ sáng, từ Quốc lộ 54 rẽ vào đường đi qua các xã Ngọc Biên tới Hàm Giang, Hàm Tân (Trà Cú)… Con đường như muốn chảy nhựa dưới cái nắng gay gắt, hai bên đồng ruộng cháy đen, khô khốc nóng hừng hực.

Thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn bò ốm nhom nhẫn nại tìm vài ngọn cỏ hiếm hoi để ăn. Nhiều người dân chúng tôi gặp bên đường than thở: “Năm nay nắng và nóng không làm gì được, cỏ mọc còn không nổi”.

Khó diễn tả cái “cực đoan” của năm nay, ông Trì Văn Thương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Giang, chỉ có thể so sánh: “Mọi năm cũng nắng nhưng ra ruộng trồng trọt được. Còn năm nay nắng nóng rất khó chịu”.

Cái “khó chịu” đó khiến cho cỏ mọc không nổi, lúa thất không có rơm cho bò ăn, thiếu nước cho bò uống… Mà “Trong hơn 2.000 hộ của xã, hầu hết hộ nào cũng nuôi 1- 2 con bò.

Người dân phải “chạy đủ đường” dự trữ rơm, chở đọt mía từ Hàm Tân về cho bò ăn, gánh nước bơm tay, nước ở kinh cho bò uống. Từ tháng 11âl bắt đầu khô hạn, nóng dần lên tới nay.

Thường khi giếng đào vừa vừa đã có nước, năm nay nước đâu mất hết. Có giếng sâu hơn 110m mà bơm không lên nước. Tôi chưa thấy năm nào nắng nóng như năm nay. Người dân đang gồng mình chống chọi với đợt nắng khắc nghiệt này”- ông Thương nói.

Nhưng xót lòng nhất là vụ lúa vừa thu hoạch. Theo ông Lâm Qui- Chủ tịch UBND xã Hàm Giang: “Hơn 70% diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Nông dân thất thu nặng, nhiều người mất trắng.

Nhiều diện tích chỉ thu được nửa bao lúa 1 công, trúng lắm cũng 3 bao lúa/công. Mà hạt lúa bị “lừng”, đắng nghét, xay cám cho heo, bò ăn... còn sợ”.

Khô hạn và nắng nóng quá nên không làm gì được. Ông Thương cho biết, thường mọi năm người dân trồng hành hẹ, rau cải xanh um ven các bờ kinh Thầy Nại, kinh sườn.

Nhưng năm nay 60- 70% diện tích không trồng được do thiếu nước tưới, đành bỏ hoang. “Tui trồng 300 cây dừa 1 năm tuổi, nóng quá “cùi hết” chỉ còn cái đọt. Dừa giống 30.000 đ/cây chứ đâu ít”- ông Thương rầu rầu.

Giáp ranh Hàm Giang, xã Hàm Tân cũng có một vụ mùa… đắng: mía thì bị bộng, cá chết vì chịu mặn không nổi. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm- Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân, cho biết hạn, mặn làm “rối” hết hoạt động sản xuất. Hơn 400ha thu hoạch… rất chua luôn: thiếu nhân công, cân không có ký, độ đường không cao, giá mía cũng sụt giảm.

Cùng với đó, mô hình nuôi cá lóc ăn nên làm ra mấy năm nay cũng chịu ảnh hưởng. Theo bà, cá lóc có thể sống trong điều kiện nước lợ lợ hoặc độ mặn 4- 5‰ cũng được.

Nhưng nước quá mặn vượt trên 10‰ làm hao hụt lớn, người dân phải khoan giếng, xử lý nước tốn thêm chi phí.

Chuyện càng “rối” hơn, khi một cán bộ xã Hàm Tân cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, vẻ khẩn trương: “Vừa nhận được thông tin hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhưng người dân đang xuống mía vì nghe nước ngọt thượng nguồn đang đổ xuống. Chúng tôi sợ nắng, mặn kéo dài mía giống sẽ chết hết. Nông dân đón mưa mỏi mòn, nôn nóng sợ xuống giống trễ và thật sự đã trễ mùa vụ hơn tháng rồi”.

Người làng nghề kiếm kế sinh nhai

Trở lại câu chuyện thiếu nhân công, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm cho hay nhiều ruộng mía ngoài đồng chưa thu hoạch hết vì thiếu người đốn mía. “Rất nhiều thanh niên, lao động trẻ kéo nhau đi làm ăn xa vì ở địa phương không ruộng đất”- bà nói.

Thống kê có khoảng 1.000 lao động của xã đi làm ăn xa tận Campuchia hay các thành phố lớn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương. Có địa phương nguyên gia đình, nguyên xóm đi hết, như ở ấp Cà Hom, Bến Bạ lao động đi làm xa chiếm 20- 30%, chỉ còn lại người già và trẻ em.

“Vì ở đây không có gì để làm. Nhiều gia đình đi làm công ty, buôn bán ở Campuchia khá hơn, về cất nhà cất cửa”- bà bảo vậy.

Phơi lác ở làng chiếu Hàm Tân.
Phơi lác ở làng chiếu Hàm Tân.

Thực tế, Hàm Tân còn có làng nghề dệt chiếu khá nổi tiếng, vì điều kiện thổ nhưỡng khá tương đồng vùng trồng lác ở Vũng Liêm (Vĩnh Long), Càng Long (Trà Vinh).

Tuy hiện nay, làng nghề vẫn có trên 200 hộ còn làm nghề, nhưng theo bà Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tân: “Đa số làm theo thời vụ.

Sản phẩm chi phí sản xuất cao, mẫu mã ít… nên khó cạnh tranh chiếu nơi khác”. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm phải mua nơi khác, nhiều người bỏ nghề chiếu đi làm công ty thu nhập ổn định.

Trong khi, các hộ lại không có khả năng đầu tư máy móc, nên cả làng nghề chỉ có 3 hộ “có tiền” mua máy dệt.

Dàn máy dệt của chị Quyên, giúp chị duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống.
Dàn máy dệt của chị Quyên, giúp chị duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống.

Dưới cái nắng như nung, chị Sơn Thị Quyên- chủ Cơ sở sản xuất chiếu Nhật Cường (ấp Chợ, xã Hàm Tân) đang phơi những bó lác vừa nhuộm màu xanh, đỏ óng ánh vừa bảo: “Nhờ nắng mau khô lắm. Tui biết dệt từ còn nhỏ xíu.

Nghề chiếu này bà ngoại truyền cho má tới tui, cứ làm hoài”. Gia đình chị là một trong ít hộ ở làng nghề “có hàng ra hàng vô đều đều”, vì theo chị: “vợ chồng lấy công làm lời, không thuê mướn ai.

Tui cũng mua 2 máy dệt hơn 50 triệu đồng để làm khỏe hơn từ vài năm nay”. Vợ chồng chị “ra” 15-16 chiếc chiếu/ngày, giá 100.000 đ/chiếc. Bạn hàng đến lấy chiếu mỗi chiều.

Tuy nhiên, cái khó của người làm nghề này là không phải lúc nào sản phẩm làm ra “tiền trao cháo múc”. Nhiều khi bị “dội hàng” hoặc phải bán chịu, bán chậm trả tiền là “muốn đứt vốn”.

Hình ảnh thường gặp ở làng dệt chiếu.
Hình ảnh thường gặp ở làng dệt chiếu.

Chưa kể những tháng mưa dầm, không phơi lác được, sức mua yếu… Thêm vào đó, chị Quyên cho biết cái khó của năm nay, lác mắc 14- 15 triệu đồng/tấn, nên lời “ít xịu”. Do hạn, mặn nên nguồn nguyên liệu thiếu, chất lượng không bằng những năm trước, lác dễ bị gẫy.

Trong khi đó, “người hàng xóm” của Hàm Tân là xã Hàm Giang cũng có nghề đóng giường tre “bán khắp miền Tây”, cũng đang trong giai đoạn “vượt lên chính mình”. Trà Tro B, Trà Tro C được xem là “cái nôi” của những chiếc giường tre, thang tầm vông có trên 100 hộ đang sống với nghề “từ mấy đời nay”.

Đang cùng 5 chị em ở xóm cạo tre, chị Thạch Thị Zanh (ấp Trà Tro B) cho biết: “Vợ chồng tui làm nghề hơn 20 năm rồi, cũng có thu nhập kha khá. Làm xong đợt nào, ảnh chất lên xe đẩy đi bán mình ên hà. Mỗi lần đi 10- 20 ngày với 5 giường lớn, 10 giường nhỏ, 20 chục thang.

Với giá 400.000 đ/giường, 150.000- 200.000 đ/thang. Mấy chị cạo tre thu nhập 50.000- 70.000 đ/ngày”. Nhưng nghề “đóng giường tre- bán ên” truyền thống đó đang có những chuyển động tích cực hơn.

Sinh ra từ làng nghề, cơ sở của anh Cảnh- chị Phượng đang nổi lên với những sản phẩm bằng tre đa dạng và tiện dụng hơn. Tại đây, chị Phượng giới thiệu cho chúng tôi nhiều mẫu mới làm bằng tre như: kệ sách, bàn, ghế, salon, giường salon…

Nghề “đóng giường- bán ên” nghĩa là tự làm rồi đẩy đi bán một mình.
Nghề “đóng giường- bán ên” nghĩa là tự làm rồi đẩy đi bán một mình.

“Chúng tôi thường xuyên cập nhập, cải thiện mẫu mã cùng với kỹ thuật xử lý mọt, đầu tư máy móc hiện đại nên cho ra thị trường sản phẩm đa dạng hơn rất nhiều”. Không những thế, sản phẩm từ tre Hàm Giang ngày nay đã len lỏi vào các nhà hàng, khách sạn, trường học.

Cái nắng tháng 5 Trà Vinh như dịu bớt lại, khi chúng tôi được mời ly trà đá của chị Phượng, với câu nói như một “slogan” của cơ sở mình: “Khách hàng đưa mẫu nào chúng tôi cũng làm được”. Rõ ràng, làng nghề và cả người dân vùng đất này đã, đang và phải có những cuộc chuyển đổi lớn lao trong thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG- THẢO LY

TIN LIÊN QUAN